BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỆ THỐNG THÔNG TIN BỘ VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

FAQ - Các vấn đề thường gặp

Các vấn đề thường gặp

Tìm kiếm

Nhập lại

Lao động cưỡng bức là gì

Theo quy định tại Điều 2 Công ước số 29 của ILO về Lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc: Lao động cưỡng bức chỉ mọi công việc hoặc dịch vụ mà một người bị ép buộc phải làm dưới sự đe dọa của một hình phạt nào đó và bản thân người đó không tự nguyện làm.  

Như vậy, theo Công ước số 29, một hoạt động lao động được coi là lao động cưỡng bức khi có sự hiện diện của cả 3 yếu tố sau:

 - Thứ nhất, một người thực hiện một công việc hoặc dịch vụ cho người khác;

- Thứ hai, người này không tự nguyện thực hiện công việc hoặc dịch vụ đó;

- Thứ ba, người thực hiện công việc hoặc dịch vụ đó bị đe dọa sẽ chịu một hình phạt nào đó nếu không tiến hành công việc hoặc dịch vụ đó

Các trường hợp ngoại lệ không bị coi là lao động cưỡng bức

Theo quy định tại Điều 2 Công ước số 29 của ILO về Lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc, các trường hợp ngoại lệ về lao động cưỡng bức bao gồm:

- Mọi công việc hoặc dịch vụ buộc phải làm theo các đạo luật về nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với những công việc có tính chất quân sự thuần túy;

- Mọi công việc hoặc dịch vụ thuộc những nghĩa vụ công dân bình thường của các công dân trong một nước tự quản hoàn toàn;

- Mọi công việc hoặc dịch vụ mà một người buộc phải làm do một quyết định của tòa án, với điều kiện là công việc hoặc dịch vụ đó phải được tiến hành dưới sự giám sát và kiểm tra của cơ quan công quyền, và người đó không được tuyển dụng và bị đặt dưới quyền sử dụng của cá nhân, công ty hoặc hiệp hội tư nhân;

- Mọi công việc hoặc dịch vụ buộc phải làm trong những trường hợp khẩn cấp, nghĩa là trong những trường hợp có chiến tranh, thiên tai hoặc có nguy cơ xảy ra thiên tai như hỏa hoạn, lũ lụt, đói kém, động đất, dịch bệnh nghiêm trọng của người hoặc của gia súc lây sang người, sự xâm hại của thú vật, côn trùng hoặc ký sinh trùng và nói chung là mọi tình thế gây nguy hiểm cho đời sống hoặc sự bình yên của toàn thể hoặc một phần dân cư;

- Những dịch vụ của thôn xã vì lợi ích trực tiếp của cộng đồng và do những thành viên của cộng đồng đó thực hiện, vì vậy có thể coi như những nghĩa vụ công dân bình thường của các thành viên cộng đồng, với điều kiện là những thành viên của cộng đồng đó hoặc những người đại diện trực tiếp của họ có quyền được tham khảo ý kiến về sự cần thiết của những dịch vụ ấy.

Tại sao phải xóa bỏ lao động cưỡng bức

- Cưỡng bức lao động xâm phạm quyền tự do lựa chọn việc làm của người lao động. Cưỡng bức lao động trong nhiều trường hợp trực tiếp xâm phạm tới nhân phẩm, các quyền tự do thân thể của người lao động.

- Cưỡng bức lao động bóc lột sức lao động của người bị cưỡng bức. Khi tồn tại tình trạng cưỡng bức lao động, người sử dụng lao động không tôn trọng và không tính tới quyền lợi chính đáng của người lao động, bóc lột sức lao động của người bị cưỡng bức. Cưỡng bức lao động vì thế là một trong những biểu hiện của sự bất công.

- Cưỡng bức lao động không khuyến khích được sự tích cực, sáng tạo của người lao động. Người lao động phải làm việc khi bị ép buộc nên họ thụ động, tâm lý bị đè nén, khó phát huy được tính tích cực, sáng tạo trong công việc. Chính vì thế,duy trì tình trạng cưỡng bức lao động làm giảm năng suất lao động, không có lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp và của xã hội.

- Hiện nay, ở đa số quốc gia trên thế giới, pháp luật quy định cấm nhập khẩu và lưu hành các loại sản phẩm do lao động cưỡng bức làm ra. Người dân ở các quốc gia phát triển cũng có thói quen tẩy chay các loại hàng hóa có liên quan đến việc sử dụng lao động cưỡng bức. Chính vì thế, việc phòng, chống các hành vi cưỡng bức lao động khuyến khích doanh nghiệp không thực hiện các hành vi cưỡng bức lao động, góp phần giúp cho hàng hóa của các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường nước ngoài tránh được các rủi ro bị cấm nhập hoặc bị tẩy chay bởi quốc gia nhập khẩu hàng hóa đó. Việc không sử dụng lao động cưỡng bức trong quá trình sản xuất ra các loại hàng hóa, dịch vụ cũng được coi là một thành phần của “giấy thông hành” của hàng hóa, dịch vụ ấy khi tiếp cận thị trường toàn cầu.

Công ước số 105 có vị trí như thế nào trong hệ thống công ước của ILO?

Công ước số 105 là một trong tám Công ước cơ bản của ILO. Tính đến ngày 11 tháng 02 năm 2020, đã có 173/187 (hơn 92%) quốc gia thành viên của ILO gia nhập Công ước số 105.  

Theo Tuyên bố của ILO năm 1998 về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, tất cả các thành viên ILO dù đã gia nhập hay chưa gia nhập các công ước cơ bản đều phải tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện các nguyên tắc và quyền đã được liệt kê trong những công ước này.

Nội dung cơ bản của Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức là gì?

Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức có 10 Điều. Nội dung Công ước tập trung từ Điều 1 đến Điều 2. Từ Điều 3 đến Điều 10 là những quy định về thủ tục, cụ thể như sau:

Điều 1 Công ước số 105 quy định:

Mọi quốc gia thành viên của ILO gia nhập Công ước này cam kết bãi bỏ lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc, và cam kết không sử dụng bất kỳ hình thức nào của loại lao động đó:

a) như là một biện pháp cưỡng chế hay giáo dục chính trị, hoặc như một sự trừng phạt đối với những ai đang có hoặc đang phát biểu chính kiến, hay ý kiến chống đối về tư tưởng đối với trật tự chính trị, xã hội, hoặc kinh tế đã được thiết lập;

b) như là một biện pháp huy động và sử dụng nhân công vào mục đích phát triển kinh tế;

c) như là một biện pháp về xử lý vi phạm kỷ luật lao động;

d) như một sự trừng phạt đối với việc đã tham gia đình công;

e) như một biện pháp phân biệt đối xử về chủng tộc, xã hội, dân tộc hoặc tôn giáo.

Điều 2 Công ước số 105 quy định:

Mọi Nước thành viên của ILO đã gia nhập Công ước này cam kết sử dụng các biện pháp có hiệu quả nhằm xóa bỏ ngay và toàn bộ lao động cưỡng bức bắt buộc, như đã quy định tại Điều 1 Công ước này.

Công ước số 29 của ILO về Lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc và Công ước số 105 của ILO về Xóa bỏ lao động cưỡng bức được coi là 2 Công ước cùng cặp tiêu chuẩn lao động quốc tế về lao động cưỡng bức. Vậy thì cần phân biệt nội dung của Công ước số 29 và Công ước số 105 như thế nào?

* Công ước số 29 về Lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc gồm có 33 Điều. Nội dung Công ước số 29 tập trung từ Điều 1 đến Điều 26. Từ Điều 27 đến Điều 33 là những quy định về thủ tục. Nội dung căn bản của Công ước số 29 bao gồm:

Công ước số 29 đưa ra định nghĩa về lao động cưỡng bức.

Theo Công ước số 29, các quốc gia thành viên của Công ước cam kết hủy bỏ việc sử dụng lao động cưỡng bức dưới mọi hình thức trong thời gian ngắn nhất có thể đạt được. Tuy nhiên, trong một thời gian nhất định (còn gọi là thời gian chuyển tiếp), nhà nước có thể sử dụng một số hình thức lao động cưỡng bức vào mục đích công cộng nhưng phải tuân thủ các điều kiện hết sức nghiêm ngặt mà Công ước quy định.

Công ước số 29 nghiêm cấm mà không có bất cứ sự ngoại lệ nào đối với việc sử dụng lao động cưỡng bức trong khu vực tư nhân. Mọi hành vi sử dụng lao động cưỡng bức của các cá nhân, tổ chức thuộc khu vực tư nhân đều bị nghiêm cấm.

Theo quy định của Công ước số 29, mọi cơ quan nhà nước đều không được phép áp đặt hoặc cho phép áp đặt việc lao động cưỡng bức vì lợi ích tư nhân, công ty hoặc hiệp hội tư nhân.

* Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức gồm có 10 Điều. Nội dung Công ước số 105 tập trung từ Điều 1 đến Điều 2. Từ Điều 3 đến Điều 10 là những quy định về thủ tục. Nội dung Công ước số 105 xin xem chi tiết tại phần trả lời của câu hỏi số 6.

* Phân biệt nội dung của Công ước số 29 và Công ước số 105 ở những điểm sau:

- Công ước số 29 đưa ra định nghĩa về lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc, Công ước số 105 không đưa ra định nghĩa về lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc mà sử dụng định nghĩa của Công ước số 29;

- Công ước số 29 có phạm vi điều chỉnh rộng, nhằm ngăn chặn tất cả các hình thức lao động cưỡng bức (trừ một số ngoại lệ nhất định đã được quy định tại khoản 2 Điều 2 của Công ước số 29). Công ước số 105 chỉ tập trung vào việc xóa bỏ 5 hình thức lao động cưỡng bức quy định tại Điều 1 của Công ước (xem chi tiết tại Phần trả lời của Câu hỏi số 6 về nội dung cơ bản của Công ước số 105);

- Nội dung chủ yếu của Công ước số 29 yêu cầu loại bỏ tất cả hình thức lao động cưỡng bức. Nội dung chủ yếu của Công ước số 105 yêu cầu loại bỏ 5 hình thức lao động cưỡng bức – các hình thức này chủ yếu là các trường hợp lạm dụng các ngoại lệ về lao động cưỡng bức đã được quy định tại khoản 2 Điều 2 của Công ước số 29.

- Công ước số 105 chủ yếu liên quan tới các trường hợp lao động cưỡng bức do nhà nước áp đặt, trong khi Công ước số 29 liên quan tới những trường hợp lao động cưỡng bức do các tổ chức tư nhân áp đặt.

Theo quy định của Công ước số 105 của ILO trách nhiệm của các quốc gia thành viên là như thế nào đối với cam kết không sử dụng lao động cưỡng bức như là một biện pháp cưỡng chế hay giáo dục chính trị, hoặc như một sự trừng phạt đối với những ai đang có hoặc đang phát biểu chính kiến, hay ý kiến chống đối về tư tưởng đối với trật tự chính trị, xã hội, hoặc kinh tế đã được thiết lập?

Trách nhiệm của quốc gia thành viên của Công ước số 105 trong trường hợp này là quy định trong pháp luật và triển khai thực hiện trên thực tế đối với việc không sử dụng lao động cưỡng bức như là một biện pháp cưỡng chế hay giáo dục chính trị, hoặc như một sự trừng phạt đối với những ai đang có hoặc đang phát biểu chính kiến, hay ý kiến chống đối về tư tưởng đối với trật tự chính trị, xã hội, hoặc kinh tế đã được thiết lập.

Pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về việc không sử dụng lao động cưỡng bức như là một biện pháp cưỡng chế hay giáo dục chính trị, hoặc như một sự trừng phạt đối với những ai đang có hoặc đang phát biểu chính kiến, hay ý kiến chống đối về tư tưởng đối với trật tự chính trị, xã hội, hoặc kinh tế đã được thiết lập?

Hiến pháp năm 2013 quy định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội [1]. Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định [2]. Hiến pháp năm 2013 cũng nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động [3].

Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định nghiêm cấm tổ chức, kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về thi hành án hình sự.

Hệ thống pháp luật Việt Nam không có quy định nào bắt buộc/cưỡng bức người khác phải lao động vì lý do họ phát biểu chính kiến, hay ý kiến chống đối về tư tưởng đối với trật tự chính trị, xã hội hoặc kinh tế đã được thiết lập.

[1] Điều 16 Hiến pháp năm 2013

[2] Điều 25 Hiến pháp năm 2013

[3] Khoản 3 Điều 35 Hiến pháp năm 2013

 
Theo quy định của Công ước số 105 của ILO trách nhiệm của các quốc gia thành viên như thế nào đối với cam kết không sử dụng lao động cưỡng bức như là một biện pháp huy động và sử dụng nhân công vào mục đích phát triển kinh tế?

Trách nhiệm của quốc gia thành viên của Công ước số 105 trong trường hợp này là quy định trong pháp luật và triển khai thực hiện trên thực tế đối với việc không sử dụng lao động cưỡng bức với tư cách là một phương pháp huy động và sử dụng lao động vì các mục đích phát triển kinh tế, áp dụng đối với tất cả các hình thức của lao động cưỡng bức, bao gồm các hình phạt về bắt buộc lao động.

Ví dụ: U-dơ-bê-ki-xtan quy định huy động và sử dụng lao động nhằm mục đích phát triển kinh tế trong nông nghiệp (sản xuất bông), theo đó có sự tham gia của người lao động thuộc khu vực nhà nước, trẻ em đang ở độ tuổi đi học và sinh viên đại học. Đây là vi phạm quy định nêu trên của Công ước số 105.

Pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về việc không sử dụng lao động cưỡng bức như là một biện pháp huy động và sử dụng nhân công vào mục đích phát triển kinh tế?

Việt Nam không có chính sách huy động và sử dụng nhân công vào mục đích phát triển kinh tế.

Trước 01/01/2007, Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội số 15/1999/PL-UBTVQH10 ngày 03/9/1999 về nghĩa vụ lao động công ích quy định công dân Việt Nam, nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 35 tuổi, có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ lao động công ích hằng năm. Tuy nhiên, ngày 5/4/2006, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1014/2006/NQ-UBTVQH11 bãi bỏ Pháp lệnh này.

Luật Dân quân tự vệ năm 2009 trước đây cũng có quy định tại khoản 4 Điều 8 về nhiệm vụ của dân quân tự vệ là tham gia xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, cơ sở. Tuy nhiên, ngày 23/11/2019, Quốc hội đã thông qua Luật Dân quân tự vệ năm 2019 trong đó đã bãi bỏ quy định này.

Số bản ghi trên 1 trang

Trang

/5