BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỆ THỐNG THÔNG TIN BỘ VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

FAQ - Các vấn đề thường gặp

Các vấn đề thường gặp

Tìm kiếm

Nhập lại

Ma túy là gì?

Theo từ điển tiếng Việt thì Ma tuý là tên gọi chung các chất có tác dụng gây trạng thái ngây ngất, đờ đẫn, dùng quen thành nghiện.

Những chất gây nghiện có thể được chiết xuất từ cây thực vật như cây Anh Túc (cây thuốc phiện), cây Côca, cây cần sa, cây khác…và những chất gây nghiện kích thích thần kinh khác như Amphetaminh, LSD được sản xuất từ các tiền chất, hoá chất. Những chất kích thích thần kinh đó, trong thuật ngữ tiếng Việt ta có thể gọi là chất ma tuý hướng thần.

Theo Liên Hợp quốc thì “ma tuý là chất hoá học có nguồn gốc tự nhiên hoặc nhân tạo, khi xâm nhập vào cơ thể con người sẽ có tác dụng làm thay đổi tâm trạng, ý thức trí tuệ của con người, làm cho người bị lệ thuộc vào các chất đó, gây nên những tổn thương cho từng cá nhân và cộng đồng. Do vậy, việc sản xuất, vận chuyển, buôn bán, sử dụng các chất đó phải được quy định chặt chẽ trong các văn bản pháp luật và chịu sự kiểm soát của cơ quan bảo vệ pháp luật".

Luật Phòng, chống ma tuý được Quốc hội thông qua ngày 9/12/2000 quy định: Chất ma tuý là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong các danh mục do Chính phủ ban hành.

Như vậy, chất ma tuý được xác định và có tên gọi riêng trong khoa học. Danh mục các chất ma tuý, tiền chất và các chất hoá học dùng để điều chế các chất ma tuý (bao gồm danh mục quy định trong Công ước 1961, 1971, 1988 của Liên Hợp quốc về kiểm soát ma tuý) gồm 225 chất ma tuý và 22 tiền chất. Để xác định có phải là chất ma tuý hay không, hoặc là chất ma tuý gì thì phải trưng cầu giám định.

Ma tuý là các chất có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp được quy định trong các danh mục do Chính phủ ban hành; khi được đưa vào cơ thể, sẽ có tác dụng làm thay đổi trạng thái ý thức và sinh lý của con người. Nếu lạm dụng, sẽ bị lệ thuộc, gây tổn thương và nguy hại cho người sử dụng và cộng đồng.

Hiểm họa của ma túy đối với mỗi gia đình thể hiện như thế nào?

Ma túy là hiểm họa của mỗi gia đình, mỗi quốc gia và của cả thế giới. Tệ nạn ma túy có tác hại rất lớn đến kinh tế, chính trị, xã hội, hạnh phúc giống nòi, làm suy thoái về đạo đức, lối sống, là nguyên nhân chính dẫn đến các loại tội phạm như trộm cắp, cướp của giết người, lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng,… là nguyên nhân chính dẫn đến đại dịch HIV của thế giới.

Theo thống kê của tổ chức phòng chống ma túy, thế giới có khoảng 250 triệu người nghiện, mỗi năm sử dụng hàng ngàn tấn ma túy các loại, gây thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD. Nhiều tổ chức tội phạm ma túy thế giới hình thành những băng đảng hoạt động công khai, trắng trợn, khống chế chính quyền làm mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhân dân lo lắng, nổi lên ở một số nước như ở Ý, Colombia, Mehico,… 

Ở Việt Nam, theo thống kê chưa đầy đủ tính đến tháng 9/2014 có khoảng 200.000 người nghiện ma túy có quản lý của lực lượng công an. Nhưng thực tế số người sử dụng ma túy ở Việt Nam còn lớn hơn rất nhiều. Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh Xã hội, mỗi người nghiện ma túy mỗi ngày sử dụng khoảng 230.000đ thì số thiệt hại là rất lớn. Những năm gần đây thì người nghiện ma túy của Việt Nam luôn luôn gia tăng. Năm 2000, có khoảng 60.000 người nghiện thì năm 2014 có khoảng 200.000 người nghiện. Xu thế hiện nay, ma túy tổng hợp đã và đang phát triển, dần dần thay thế các loại ma túy từ tự nhiên như: thuốc phiện, heroin,…. Hiện nay, thế hệ trẻ đang đua nhau tuyên truyền sử dụng ma túy tổng hợp, đây là loại ma túy rất nguy hiểm, gây ảo giác hoang tưởng, còn được gọi là “ma túy điên”, thế giới chưa có phác đồ điều trị cai nghiện ma túy tổng hợp.

Nguyên nhân nghiện ma túy gồm một số lý do chủ yếu sau:

- Hiếu kỳ, ảo tưởng chơi ma túy là sành điệu, lên mây, con người thông minh, khỏe mạnh.

- Lười lao động, thích ăn chơi, đua đòi, dễ bị đối tượng xấu mua chuộc, lôi kéo vào con đường nghiện ma túy.

- Hoàn cảnh gia đình: bố, mẹ ly dị; lo làm ăn không quan tâm tới con; nhà nghèo; lang thang theo bạn xấu,…

- Quản lý của nhà trường, xã hội, chính quyền đoàn thể yếu kém, chưa quan tâm, công tác tuyên truyền yếu.

- Những người có hoàn cảnh cá nhân: chữa bệnh, gái mại dâm, trẻ lang thang cơ nhỡ,…

- Phong tục tập quán của một số dân tộc ở vùng sâu, vùng xa.
Người nghiện ma túy thường có các biểu hiện: Cảm giác thèm chất ma túy; Ngạt mũi hoặc hắt hơi; Chảy nước mắt; Đau cơ hoặc chuột rút; Co cứng bụng; Buồn nôn hoặc nôn; ỉa chảy; Giãn đồng tử; Nổi da gà hoặc ớn lạnh; Nhịp tim nhanh hoặc tăng huyết áp; Ngáp; Ngủ không yên;

Ngoài ra, người nghiện thường có biểu hiện bất minh về thời gian, tiền bạc, khéo miệng, có tính gian dối, sau đó đến trộm cắp và các hành vi vi phạm khác.

Hành vi bán dâm bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Điều 23 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, hành vi bán dâm bị xử phạt như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi bán dâm.

2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp bán dâm cho nhiều người cùng một lúc.

3. Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Xin cho biết trách nhiệm của cá nhân trong phòng, chống mại dâm ?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, các cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm.

Điều 8 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP quy định mọi cá nhân có trách nhiệm:

- Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm;

- Tham gia tích cực các hoạt động phòng, chống mại dâm;

- Giáo dục, quản lý, ngăn ngừa để thành viên trong gia đình mình không tham gia tệ nạn mại dâm;

- Phát hiện, cung cấp kịp thời các thông tin về tệ nạn mại dâm cho cơ quan Công an hoặc cơ quan khác có thẩm quyền.

Xin cho biết trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong phòng, chống mại dâm?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống mại dâm; động viên, khuyến khích việc phát hiện, tố giác, đấu tranh với tệ nạn mại dâm và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm.

Số bản ghi trên 1 trang