BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỆ THỐNG THÔNG TIN BỘ VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

FAQ - Các vấn đề thường gặp

Các vấn đề thường gặp

Tìm kiếm

Nhập lại

Hợp đồng lao động là gì?

Sau khi đã tìm được việc làm phù hợp, người lao động cần tiến hành việc ký kết hợp đồng với người sử dụng lao động.

- Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

- Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản.

Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.

- Hợp đồng lao động được giao kết dựa trên các nguyên tắc:

+ Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực.

+ Tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.

- Hợp đồng lao động có hiệu lực kể từ ngày các bên giao kết trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Căn cứ pháp lý: Điều 15, Điều 16, Điều 17 – Bộ Luật Lao động năm 2012

Thời giờ làm việc được quy định như thế nào?

- Thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong một ngày và 48 giờ trong tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo giờ hoặc ngày trong tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 1 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 1 tuần.

- Đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành thì thời giờ làm việc không quá 6 giờ trong 1 ngày mà vẫn hưởng đủ lương theo công việc.

- Giờ làm việc vào ban đêm quy định là từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau không phân biệt giữa miền Bắc và miền Nam.

Căn cứ pháp lý: Điều 104, Điều 105, Điều 106, Điều 107 – Bộ luật Lao động 2012.

Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của lao động nữ

Theo quy định tại Điều 8 của Nghị định 85/2015/NĐ-CP ngày 01/10/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ thì quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của phụ nữ mang thai được quy định như sau:

1. Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động, kèm theo ý kiến đề nghị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.

2. Thời hạn báo trước để đơn phương chấm dứt, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo thời hạn mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định.

3. Trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thời gian tạm hoãn do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động, nhưng tối thiểu phải bằng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định tạm nghỉ. Trường hợp không có chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về thời gian tạm nghỉ thì hai bên thỏa thuận về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Số bản ghi trên 1 trang