BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỆ THỐNG THÔNG TIN BỘ VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

FAQ - Các vấn đề thường gặp

Các vấn đề thường gặp

Tìm kiếm

Nhập lại

Lao động là người nước ngoài có thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội không?
Khoản 2 Điều 2 Luật BHXH năm 2014 quy định, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, được tham gia BHXH bắt buộc 
Khoản 2 Điều 1 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014
Xác định đối tượng người lao động nước ngoài di chuyển nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ như thế nào?
Người lao động nước ngoài khi di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới, bao gồm: kinh doanh, thông tin, xây dựng, phân phối, giáo dục, môi trường, tài chính, y tế, du lịch, văn hóa giải trí và vận tải thì không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Danh mục cụ thể của 11 phân ngành dịch vụ được quy định trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam và văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương.
 Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP.
Người lao động nước ngoài chỉ có giấy tờ, chứng nhận, chứng chỉ là đã tốt nghiệp đại học thì có được coi là phù hợp không?
Các loại giấy tờ như chứng nhận đã tốt nghiệp đại học được hợp pháp hoá lãnh sự thì được công nhận tương đương với bằng tốt nghiệp đại học.
Ngày 21/6/2021, Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có công văn số 425/CVL-QLLĐ gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố thông báo về Công hàm của Đại sứ quán Nhật Bản và Đại sứ quán Hàn Quốc liên quan đến xác nhận của Bộ Giáo dục Hàn Quốc và Bộ Giáo dục, Văn hoá, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản về hiệu lực tương đương của văn bằng đại học và giấy chứng nhận tốt nghiệp đại học.
Người lao động nước ngoài là chuyên gia, lao động kỹ thuật đã được cấp giấy phép lao động, khi làm thủ tục cấp mới giấy phép lao động cho lần tiếp theo thì giấy phép lao động cũ có được coi là giấy tờ chứng minh trình độ chuyên môn và kinh nghiệm làm việc không?
Theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 9 của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP thì giấy tờ chứng minh là chuyên gia, lao động kỹ thuật theo quy định tại khoản 3, 6 Điều 3 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP, gồm: văn bằng, chứng chỉ, văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài về số năm kinh nghiệm của chuyên gia, lao động kỹ thuật. Như vậy, đối với các vị trí là chuyên gia, lao động kỹ thuật thì phải có xác nhận của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài về số năm kinh nghiệm trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động.
Khoản 3, 6 Điều 3, điểm b khoản 4 Điều 9 của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP.
Trường hợp người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép theo quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 140/2018/NĐ-CP và sau ngày 15/2/2020 (là ngày có hiệu lực của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020) chuẩn bị hết thời hạn mà người LĐNN có nhu cầu tiếp tục làm việc tại Việt Nam thì phải làm thủ tục gì?
Đối với trường hợp đã được cấp giấy phép lao động mà có nhu cầu tiếp tục làm việc tại Việt Nam khi giấy phép lao động hết hiệu lực thì phải thực hiện việc cấp mới giấy phép lao động theo đúng quy định tại Mục 3 Chương II Nghị định số 152/2020/NĐ-CP nêu trên vì việc gia hạn giấy phép lao động chỉ áp dụng với trường hợp giấy phép lao động được cấp theo quy định tại Nghị định số 152/2020/NĐ-CP.
          Mục 3 Chương II Nghị định số 152/2020/NĐ-CP
Trường hợp người lao động nước ngoài là chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn, thành viên góp vốn công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên hội đồng quản trị của công ty cổ phần (có mức góp vốn dưới 3 tỷ đồng) muốn nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động theo quy định tại khoản 8 Điều 9 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP thì thuộc đối tượng nào để cung cấp giấy tờ chứng minh?
Đối với người lao động nước ngoài là chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn, thành viên góp vốn công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên hội đồng quản trị của công ty cổ phần có mức góp vốn dưới 3 tỷ đồng thì lựa chọn hình thức làm việc theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP và cung cấp giấy tờ chứng minh theo quy định tại khoản 8 Điều 9 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP cho phù hợp.
Khoản 1 Điều 2, khoản 8 Điều 9 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP
Người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động để làm việc tại Việt Nam với vị trí là chuyên gia, lao động kỹ thuật. Sau khi giấy phép lao động đã được cấp hết hiệu lực, khi làm thủ tục cấp mới giấy phép lao động cho lần tiếp theo thì giấy phép lao động cũ có được coi là giấy tờ chứng minh kinh nghiệm làm việc không?
​Theo quy định tại Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 thì người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động để làm việc tại Việt Nam với vị trí là chuyên gia, lao động kỹ thuật, sau khi giấy phép lao động đã được cấp hết hiệu lực, khi làm thủ tục cấp mới giấy phép lao động cho lần tiếp theo thì giấy phép lao động cũ không được coi là giấy tờ chứng minh kinh nghiệm làm việc (Điều 9 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP).
Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về việc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID – 19 và Công văn số 3246/LĐTBXH-VL ngày 24/9/2021 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP thì với trường hợp nêu trên, giấy phép lao động đã được cấp được coi là giấy tờ chứng minh kinh nghiệm làm việc của lao động nước ngoài (điểm a tiểu mục 4 Mục III Nghị quyết số 105/NQ-CP).
Người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ thuộc trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động (khoản 3 Điều 7 của Nghị định 152/2020/NĐ-CP) được xác định như thế nào? Trường hợp văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã hết hạn mà người lao động nước ngoài có nhu cầu tiếp tục làm việc thì thực hiện như thế nào?
- Theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP thì người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động khi di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới, bao gồm: kinh doanh, thông tin, xây dựng, phân phối, giáo dục, môi trường, tài chính, y tế, du lịch, văn hóa giải trí và vận tải. Danh mục cụ thể của 11 phân ngành dịch vụ được quy định trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam và văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương.
 - Đối với văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã hết thời hạn làm việc mà người lao động nước ngoài có nhu cầu tiếp tục làm việc với hình thức quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP thì làm hồ sơ đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP.
Trường hợp người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc theo hình thức hợp đồng lao động, khi làm thủ tục gia hạn giấy phép lao động thì giấy tờ chứng minh người lao động nước ngoài tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động quy định tại khoản 7 Điều 17 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP là giấy tờ gì?
​Theo quy định tại khoản 7 Điều 17 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP trường hợp người lao động nước ngoài làm việc theo hình thức hợp đồng lao động khi làm thủ tục gia hạn giấy phép lao động thì không cần phải bổ sung giấy tờ chứng minh tiếp tục làm việc theo nội dung giấy phép lao động đã được cấp.
Người lao động nước ngoài không có văn bằng chứng minh đã tốt nghiệp đại học mà chỉ có giấy chứng nhận là đã tốt nghiệp đại học thì giấy chứng nhận đó có được coi là giấy tờ chứng minh có bằng đại học theo quy định tại Nghị định số 152/2020/NĐ-CP và các văn bản có liên quan không?
Theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 9 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP thì giấy tờ chứng minh có bằng đại học hoặc tương đương là: văn bằng, chứng chỉ.
​Theo quy định tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về việc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID – 19 và Công văn số 3246/LĐTBXH-VL ngày 24/9/2021 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP thì ngoài giấy tờ chứng minh nêu trên còn bao gồm "giấy chứng nhận" (điểm a tiểu mục 4 Mục III Nghị quyết số 105/NQ-CP).
Do vậy, giấy chứng nhận là đã tốt nghiệp đại học được coi là giấy tờ chứng minh có bằng đại học theo quy định tại Nghị định số 152/2020/NĐ-CP và Nghị quyết số 105/NQ-CP nêu trên.

Số bản ghi trên 1 trang

Trang

/3