BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỆ THỐNG THÔNG TIN BỘ VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

FAQ - Các vấn đề thường gặp

Các vấn đề thường gặp

Tìm kiếm

Nhập lại

Hội nghị người lao động được tổ chức theo hình thức nào?
Hội nghị người lao động được tổ chức theo hình thức hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu.
(Theo quy định tại  khoản 1 Điều 47 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP)
Người lao động có được quyết định việc gia nhập hoặc không gia nhập tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở trong quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc?
Người lao động quyết định việc gia nhập hoặc không gia nhập tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở.
(Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 45 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP)
Hoạt động của Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp hợp pháp khi nào?
Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hợp pháp sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký. Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tổ chức và hoạt động phải bảo đảm nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ; tự nguyện, tự quản, dân chủ, minh bạch.
​(Theo quy định tại khoản 1 Điều 172 Bộ luật Lao động)
Điều lệ tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có thể quy định đồng thời thành viên của tổ chức là người lao động thông thường và người lao động trực tiếp tham gia vào quá trình ra quyết định liên quan đến điều kiện lao động, tuyển dụng lao động, kỷ luật lao động, chấm dứt hợp đồng lao động hoặc chuyển người lao động làm công việc khác không?
Điều lệ của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp phải có nội dung về việc trong một tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp không đồng thời có thành viên là người lao động thông thường và thành viên là người lao động trực tiếp tham gia vào quá trình ra quyết định liên quan đến điều kiện lao động, tuyển dụng lao động, kỷ luật lao động, chấm dứt hợp đồng lao động hoặc chuyển người lao động làm công việc khác.
(Theo quy định tại khoản 1 Điều 174 Bộ luật Lao động)
Chị Tuyết ở phường BN, là công nhân trong một doanh nghiệp sản xuất phích cắm điện, chị đã là đoàn viên Công đoàn trong doanh nghiệp. Chị và những người lao động khác đã tham gia Công đoàn thường bị người quản lý của doanh nghiệp giám sát rất kỹ các hoạt động của mình, nhiều hoạt động của Công đoàn như bầu cử lãnh đạo của tổ chức Công đoàn cũng phải được chủ doanh nghiệp có ý kiến chỉ định. Vậy chị hỏi, những hành động đó có vi phạm pháp luật không?
Điều 175 Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động liên quan đến thành lập, gia nhập và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở như sau:
1. Phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động tổ chức đại diện người lao động, bao gồm:
a) Yêu cầu tham gia, không tham gia hoặc ra khỏi tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để được tuyển dụng, giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động;
b) Sa thải, kỷ luật, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, không tiếp tục giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động, chuyển người lao động làm công việc khác;
c) Phân biệt đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc, các quyền và nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động;
d) Cản trở, gây khó khăn liên quan đến công việc nhằm làm suy yếu hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
2. Can thiệp, thao túng quá trình thành lập, bầu cử, xây dựng kế hoạch công tác và tổ chức thực hiện các hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, bao gồm cả việc hỗ trợ tài chính hoặc các biện pháp kinh tế khác nhằm làm vô hiệu hóa hoặc suy yếu việc thực hiện chức năng đại diện của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở hoặc phân biệt đối xử giữa các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Như vậy, căn cứ vào quy định trên có thể thấy những hành vi của doanh nghiệp là vi phạm pháp luật.
Thành viên ban lãnh đạo của Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có bao gồm người lao động là người có quốc tịch nước ngoài không?
Ban lãnh đạo do thành viên của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bầu. Thành viên ban lãnh đạo là người lao động Việt Nam đang làm việc tại doanh nghiệp; không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích do phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, các tội xâm phạm sở hữu theo quy định của Bộ luật Hình sự.
​(Theo quy định tại khoản 2 Điều 173 Bộ luật Lao động)
Trường hợp nào thì Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bị thu hồi đăng ký?
​Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bị thu hồi đăng ký khi vi phạm về tôn chỉ, mục đích của tổ chức quy định tại điểm b khoản 1 Điều 174 của Bộ luật Lao động hoặc tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp chấm dứt sự tồn tại trong trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể hoặc doanh nghiệp giải thể, phá sản.
(Theo quy định tại khoản 2 Điều 172 Bộ luật Lao động)
Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có thể gia nhập Công đoàn Việt Nam không?
Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp nếu gia nhập Công đoàn Việt Nam thì thực hiện theo quy định của Luật Công đoàn.
​(Theo quy định tại khoản 3 Điều 172 Bộ luật Lao động)
Anh Thanh ở thôn CĐ, đang làm công nhân ở doanh nghiệp sản xuất tất tay. Anh và rất nhiều công nhân khác thấy Công đoàn trong doanh nghiệp hoạt động chưa hiệu quả. Vì vậy, anh Thanh muốn hỏi: anh và những người công nhân khác có quyền thành lập một tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để đại diện bảo vệ quyền lợi cho mình không? Nếu được thành lập thì liệu tổ chức này có bình đẳng với Công đoàn cơ sở trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động không?
Điều 170 Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, quy định quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở như sau:
1. Người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn.
2. Người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định tại các điều 172, 173 và 174 của Bộ luật Lao động.
3. Các tổ chức đại diện người lao động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 170 của Bộ luật Lao động bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động.
Như vậy, căn cứ vào quy định trên, anh Thanh và những công nhân khác có quyền thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp mình làm. Khi Tổ chức này được thành lập và hoạt động hợp pháp thì hoàn toàn bình đẳng về quyền và nghĩa vụ với các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khác trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Số bản ghi trên 1 trang