BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỆ THỐNG THÔNG TIN BỘ VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

Điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

12/04/2024

Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục đào tạo GBI đã gửi câu hỏi tới Hệ thống thông tin Bộ với người dân và doanh nghiệp hỏi về việc doanh nghiệp có ký hợp đồng liên kết đào tạo với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp thực hiện việc đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên theo Hợp đồng liên kết đào tạo trực tiếp tham gia giảng dạy với tổng chương trình đào tạo là 108 giờ (dưới 300 giờ dạy) cho 1 khóa học. Vậy doanh nghiệp có cần thực hiện báo cáo theo quy định của TT số 43/2015/TT-BLĐTBXH về Đào tạo thường xuyên hay thực hiện theo quy định tại TT số 05/2022/TT-BLĐTBXH về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trong giáo dục nghệ nghề. Đồng thời, daonh nghiệp có phải xin giấy phép đào tạo thường xuyên hay không?



Về vấn đề này, Hệ thống thông tin Bộ với người dân và doanh nghiệp trả lời doanh nghiệp như sau:

1. Điều 19 Luật Giáo dục nghề nghiệp, Điều 14 Nghị định số 143/2016/NĐ-CP ngày 14/10/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, được sửa đổi tại điểm a, khoản 10, Điều 1 Nghị định số 24/2022/NĐ-CP ngày 06/4/2022 của Chính phủ chỉ quy định về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng, không quy định về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp khi đào tạo các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác.

Do đó, Cơ sở GDNN, doanh nghiệp, tổ chức, cán nhân đáp ứng đủ điều kiện thì được phép tổ chức đào tạo các chương trình đào tạo thường xuyên theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và được hướng dẫn tại Thông tư số 43/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20/10/2015, được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 34/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mà không phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

2. Khi tổ chức đào tạo thường xuyên, Cơ sở GDNN, doanh nghiệp, tổ chức khác và cá nhân phải đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 43 Luật Giáo dục nghề nghiệp và Điều 6 Thông tư số 43/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20/10/2015, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5, Điều 2 Thông tư số 34/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gồm:

- Đang hoạt động tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, ngành, nghề dự kiến tổ chức mở lớp đào tạo nghề

- Có chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo của từng nghề được xây dựng, phê duyệt theo quy định tại Điều 4 và 5 của Thông tư này;

- Có người dạy nghề là nhà giáo; nhà khoa học, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật chuyên ngành; người có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 1 hoặc chứng nhận bậc thợ 3/7, 2/6 trở lên, nghệ nhân cấp tỉnh, nghệ nhân làng nghề, nông dân sản xuất giỏi cấp huyện, người trực tiếp làm nghề liên tục từ 5 năm trở lên và có chứng chỉ kỹ năng dạy học trực tiếp giảng dạy đối với nghề đào tạo.

- Có cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện đào tạo phù hợp với nghề sẽ tổ chức đào tạo và theo số lượng người học, thời gian đào tạo.".

Trong quá trình tổ chức đào tạo, đề nghị đơn vị đào tạo (cơ sở GDNN, doanh nghiệp, tổ chức khác và cá nhân thực hiện chế độ báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố (nơi tổ chức đào tạo thường xuyên) theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Thông tư số 43/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20/10/2015 và được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5, Điều 2 Thông tư số 34/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.