BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỆ THỐNG THÔNG TIN BỘ VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

Hỗ trợ covid 19
Danh sách Covid19

Tìm kiếm

Nhập lại
Kết quả tìm kiếm ( Có tổng số 17 kết quả tìm được)
    Câu 01: Thành phần hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương bao gồm “văn bản thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương”. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh nên người lao động và người sử dụng lao động không thể gặp mặt để ký văn bản thỏa thuận, vậy có thể xử lý vấn đề này như thế nào cho phù hợp để người lao động được hưởng chính sách hỗ trợ?
    Nội dung:

    Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có văn bản số 2558 /LĐTBXH-VP ngày 05/8/2021 về việc phối hợp triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Tại văn bản, Bộ đã hướng dẫn thành phần hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện như sau:

    - Trường hợp người sử dụng lao động và người lao động có văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương thì sử dụng văn bản thỏa thuận đó;

    - Trường hợp do dịch bệnh hoặc nguyên nhân bất khả kháng không thể thỏa thuận bằng văn bản, hai bên người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận bằng các hình thức khác (qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử,…). Khi có sự thống nhất thỏa thuận về việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương giữa hai bên thì người sử dụng lao động ghi rõ cách thức thỏa thuận này vào cột ghi chú của Mẫu số 05 ban hành kèm theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung thỏa thuận.

    Câu 02. Trường hợp người lao động đã được giải quyết theo mức hỗ trợ là 1.855.000 đồng/người (tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 30 ngày), nếu sau đó tiếp tục phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với thời gian từ 30 ngày liên tục trở lên có được xem xét giải quyết để hưởng mức hỗ trợ chênh lệch (1.855.000 đồng) không?
    Nội dung:

    Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định nguyên tắc: Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ; Người lao động được hỗ trợ một lần bằng tiền chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ.

    Trường hợp người lao động đã được giải quyết theo mức hỗ trợ là 1.855.000 đồng/người (tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 30 ngày), nếu sau đó tiếp tục phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với thời gian từ 30 ngày liên tục trở lên thì có thể nộp bổ sung hồ sơ để được hỗ trợ bổ sung phần chênh lệch. Trường hợp này không trái với các nguyên tắc nêu trên và quy định hiện hành.

    Câu 03. Doanh nghiệp nằm trong khu vực bị cách ly y tế nên khó khăn về cung ứng nguyên vật liệu, xuất hàng buộc phải tạm dừng hoạt động hoặc doanh nghiệp không có điều kiện để bố trí “3 tại chỗ”/ “1 cung đường – 2 địa điểm” thì có được coi là “Doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19” để được hưởng chính sách hỗ trợ tại Quyết định 23/2021/QĐ-TTg không?
    Nội dung:

    Trường hợp 1: Với những doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện “3 tại chỗ”/ “1 cung đường – 2 địa điểm” và phải dừng hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian thực hiện quy định đó của địa phương được xem là phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19.

    Trường hợp 2: Doanh nghiệp nằm trong khu vực bị cách ly y tế nên khó khăn về cung ứng nguyên vật liệu, xuất hàng buộc phải tạm dừng hoạt động có thể được xem là phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19.

    Trong thực tiễn, tùy thuộc vào công tác chỉ đạo chống dịch của mỗi địa phương là tương đối khác nhau theo đặc thù riêng nên cần phải có cách hiểu linh hoạt và phải được thực hiện một cách đơn giản và hiệu quả nhất với mục tiêu hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn.

    Câu 04. Theo quy định của địa phương, doanh nghiệp được phép hoạt động khi đáp ứng điều kiện “3 tại chỗ”/ “1 cung đường - 2 địa điểm” và “doanh nghiệp nào không đáp ứng được thì phải tạm dừng sản xuất”. Đối với doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ”/ “1 cung đường - 2 địa điểm” nhưng có một số người lao động không đồng ý với phương án lưu trú theo yêu cầu “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 địa điểm” của doanh nghiệp thì những trường hợp này doanh nghiệp phải thực hiện chính sách pháp luật lao động như thế nào?
    Nội dung:

    Đối với doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”/ “1 cung đường - 2 địa điểm” mà người lao động không đồng ý với phương án lưu trú theo yêu cầu “3 tại chỗ”, “1 cung đường – 2 địa điểm” của doanh nghiệp thì hai bên người lao động và doanh nghiệp thống nhất để xác định theo một trong các cách sau:

    - Doanh nghiệp cho người lao động ngừng việc và trả lương ngừng việc cho người lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động. Trong trường hợp này, người lao động được hỗ trợ chính sách ngừng việc khi đáp ứng đủ các điều kiện theo chương V (Điều 17 đến Điều 20) của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

    - Thống nhất với người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động theo điểm h Khoản 1 Điều 30 Bộ luật Lao động hoặc hai bên thỏa thuận nghỉ không hưởng lương theo Khoản 3 Điều 115 Bộ luật Lao động.

    - Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật lao động, như: thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động theo Khoản 3 Điều 34 Bộ luật Lao động; thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động theo điểm c Khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động;...

    Câu 05. Doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền từ 01/8 đến 20/8 (20 ngày). Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh doanh nghiệp không bố trí được việc làm cho người lao động nên thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với người lao động từ 01/8 đến 30/9 (60 ngày). Như vậy khi doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương thì thời gian làm căn cứ tính mức hỗ trợ theo quy định tại Điều 14 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg được xác định theo thời gian tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền hay theo thời gian doanh nghiệp đã thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động với người lao động?
    Nội dung:

    - Doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền là một trong các điều kiện để người lao động được hưởng chính sách tại chương IV Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg (điều kiện tham chiếu; pháp luật không có quy định cụ thể về khung thời gian của việc tạm dừng hoạt động).

    - Theo quy định tại Điều 14 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg thì căn cứ để  tính mức hỗ trợ là theo thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương giữa doanh nghiệp và người lao động (chứ không theo thời gian doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền), cụ thể:

    + Thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương giữa doanh nghiệp và người lao động từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 01 tháng (30 ngày) thì mức hỗ trợ là 1.855.000 đồng/người.

    + Thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương giữa doanh nghiệp và người lao động từ 01 tháng (30 ngày) trở lên thì mức hỗ trợ là 3.710.000 đồng/người.

    Câu 06. Theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp tạm hoãn hợp đồng lao động với người lao động từ 15/8/2021 đến 30/9/2021. Sau khi có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội, đến ngày 20/8/2021 doanh nghiệp nộp hồ sơ đến cơ quan chức năng đề nghị giải quyết chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động. Như vậy tính đến thời điểm nhận hồ sơ, thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động mới được 06 ngày. Trong trường hợp này, để kịp thời hỗ trợ khó khăn cho người lao động, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có được giải quyết ngay chính sách hỗ trợ cho người lao động theo quy định tại Điều 14 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg hay không?
    Nội dung:

    Trường hợp doanh nghiệp và người lao động đáp ứng đầy đủ các điều kiện và nộp đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 13 và Điều 14 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm giải quyết chính sách hỗ trợ cho người lao động theo đúng quy định để kịp thời để hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn.

    Câu 07. Doanh nghiệp có trường hợp người lao động nghỉ không lương từ ngày 19/7/2021 đến hết ngày 10/8/2021 nhưng tháng 7 và tháng 8 năm 2021 vẫn đóng bảo hiểm xã hội. Vậy người lao động có đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ theo Chương IV Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg không?
    Nội dung:

    Trường hợp người lao động nghỉ việc không hưởng tiền lương từ ngày 19/7/2021 đến hết ngày 10/8/2021 thì tháng 7/2021 và tháng 8/2021 người lao động không làm việc, không hưởng tiền lương dưới 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, do đó cả người lao động và người sử dụng lao động vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội tháng 7/2021 và tháng 8/2021 (theo quy định tại khoản 3 Điều 85, khoản 4 Điều 86 Luật Bảo hiểm xã hội). Người lao động này nghỉ việc không hưởng tiền lương từ 15 ngày liên tục trở lên nếu có đủ có các điều kiện theo Điều 13 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg thì được hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại Chương IV Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

    Câu 08. Trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động qua điện thoại thì có được xem xét hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg không?
    Nội dung:

    Ngày 05/8/2021, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có Công văn số 2558/LĐTBXH-VP hướng dẫn triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, trong đó trường hợp do dịch bệnh hoặc nguyên nhân bất khả kháng khác không thể thỏa thuận bằng văn bản thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận bằng các hình thức khác (qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử...). Khi thống nhất thỏa thuận về việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương giữa hai bên thì người sử dụng lao động ghi rõ cách thức thỏa thuận vào cột “Ghi chú” tại Mẫu số 05 ban hành kèm theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung thỏa thuận.

    Câu 09. Tôi là người lao động làm việc tại hộ kinh doanh phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, dẫn đến hai bên phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Vậy tôi có được hỗ trợ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg không?
    Nội dung:

    Theo Điều 13 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg thì đối tượng áp dụng không bao gồm người lao động làm việc tại hộ kinh doanh. Do vậy, Anh/Chị không thuộc đối tượng xét hưởng hỗ trợ theo chương IV (chính sách tạm hoãn hợp đồng lao động) Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

    Tuy nhiên, hiện nay Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang đề xuất sửa đổi, mở rộng thêm đối tượng là người lao động làm việc tại hộ kinh doanh. Vì vậy, đề nghị Anh/Chị theo dõi, cập nhật chính sách mới trong thời gian tới.

    Câu 10. Người lao động được xác định “đang tham gia bảo hiểm xã hội” để được hưởng chính sách hỗ trợ đối với người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương theo chương IV Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg trong trường hợp nào?
    Nội dung:

    Người lao động được xác định là đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi người lao động có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm xã hội và chưa chấm dứt tham gia (bao gồm cả các trường hợp người lao động có tháng liền kề trước thời điểm tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương còn nợ đóng bảo hiểm xã hội, tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuộc các trường hợp không phải đóng bảo hiểm xã hội khác).

Số bản ghi trên 1 trang

Trang

/2