BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỆ THỐNG THÔNG TIN BỘ VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

Hỗ trợ covid 19
Danh sách Covid19

Tìm kiếm

Nhập lại
Kết quả tìm kiếm ( Có tổng số 22 kết quả tìm được)
    Câu 01. Xác định thời điểm làm căn cứ để tính tuổi trẻ em Khi giải quyết chính sách hỗ trợ, tuổi trẻ em (trẻ em chưa đủ 6 tuổi, trẻ em là người dưới 16 tuổi theo quy định của Luật Trẻ em) được xác định tại thời điểm nào? Thời điểm Nghị quyết 68/NQ-CP có hiệu lực, thời điểm đối tượng nộp hồ sơ hay thời điểm tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng lao động (đối với trường hợp trẻ em chưa đủ 6 tuổi); thời điểm bắt đầu điều trị do nhiễm Covid – 19 hoặc cách ly y tế (đối với trường hợp trẻ em dưới 16 tuổi)?
    Nội dung:

    Nguyên tắc chung trong áp dụng pháp luật là xác định theo thời điểm xảy ra hành vi/sự kiện pháp lý; và nếu văn bản quy định hồi tố thì áp dụng theo quy định hồi tố đó (theo Khoản 1 Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020).

    Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định hồi tố các chính sách: chính sách tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ viêc không hưởng lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng lao động tính từ thời điểm ngày 01/5/2021; chính sách đối với F0 và F1 tính từ thời điểm ngày 27/4/2021 (trong khi Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 07/7/2021).

    Như vậy, việc xác định tuổi trẻ em để được hưởng chế độ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg được xác định như sau:

    - Đối với trẻ em chưa đủ 6 tuổi được xác định tại thời điểm người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng lao động.

    - Đối với trẻ em dưới 16 tuổi được xác định tại thời điểm bắt đầu điều trị do nhiễm Covid -19 hoặc cách ly y tế.

    Câu 02. Trường hợp đối tượng là F1 đang thực hiện cách ly y tế (đã thực hiện cách ly được một số ngày) thì phát hiện bị dương tính - nhiễm Covid-19. Như vậy, đối tượng chuyển từ F1 thành F0 và phải tập trung điều trị nhiễm Covid-19 thì có được hưởng đồng thời cả 2 chế độ F1 và F0 không?
    Nội dung:

    Trường hợp này, đối tượng được hưởng hỗ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày trong thời gian là F1 thực hiện cách ly y tế thực tế (tối đa không quá 21 ngày) và trong thời gian là F0 điều trị thực tế (tối đa không quá 45 ngày).

    Câu 03. Trường hợp đối tượng F0 đã điều trị khỏi và được ra viện, nhưng sau đó lại bị tái dương tính; theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đối tượng tiếp tục phải cách ly y tế. Như vậy, trường hợp này, đối tượng có được tiếp tục hưởng hỗ trợ tiền ăn trong thời gian cách ly y tế theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền không?
    Nội dung:

    Trường hợp này, đối tượng được hưởng hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày trong thời gian thực hiện cách ly y tế thực tế (tối đa 21 ngày).

    Câu 04. Trong thời gian từ ngày 27/4/2021 đến ngày 07/7/2021 (thời điểm ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg), tại địa phương đã có nhiều đối tượng thuộc diện F0, F1 đã thực hiện điều trị nhiễm Covid-19 hoặc cách ly y tế xong. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, người lao động chưa nộp tiền ăn theo quy định, do vậy các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly y tế tập trung chưa thu được tiền ăn của đối tượng. Số chi phí này các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly y tế tập trung hiện vẫn chưa có nguồn để thực hiện thanh quyết toán chi phí. Đề nghị hướng dẫn thực hiện.
    Nội dung:

    Trường hợp này, cho phép các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly y tế đã tạm ứng tiền ăn cho đối tượng lập hồ sơ thanh toán chi phí trên cơ sở danh sách các đối tượng đã điều trị, đã cách ly y tế tập trung trước đây chưa nộp tiền ăn theo quy định và chưa nhận tiền hỗ trợ để thanh quyết toán chi phí, đảm bảo nguyên tắc: Mức thanh toán đối với trường hợp theo thời gian thực tế thực hiện cách ly và điều trị và không quá 21 ngày đối với trường hợp cách ly, tối đa 45 ngày đối với trường hợp F0.

    Câu 05. Trường hợp có 02 mẹ con F0, F1 đã hoàn thành cách ly y tế trước ngày 07/7/2021. Người mẹ có biên nhận thu tiền ăn còn em bé thì ăn theo mẹ nên không thu tiền ăn. Vậy em bé có được hỗ trợ tiền ăn theo Nghị quyết số 68-NQ/CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg không? Hay chỉ được hỗ trợ thêm 1.000.000đ?
    Nội dung:

    Trẻ cần có xác nhận không thu tiền tại khu điều trị, khu cách ly để được hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg với mức là 80.000đ/người/ngày theo thời gian cách ly y tế thực tế, thời gian điều trị thực tế và không quá 21 ngày đối với trường hợp cách ly y tế, không quá 45 ngày đối với trường hợp điều trị nhiễm COVID -19.

    Bên cạnh đó, trẻ (người dưới 16 tuổi) còn được hỗ trợ 1 lần với mức 1.000.000 đồng.

    Câu 06. Người tự lựa chọn cách ly y tế ví dụ như cách ly tại khách sạn thì có được hỗ trợ tiền ăn theo Nghị quyết số 68-NQ/CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg không?
    Nội dung:

    Trường hợp F1 có quyết định cách ly y tế của cơ quan có thẩm quyền, chọn nơi cách ly tại khách sạn vẫn được hưởng hỗ trợ tiền ăn theo quy định tại quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Trường hợp này cần bổ sung thêm giấy tờ khẳng định cơ sở cách ly này được chính quyền địa phương lựa chọn.

    Câu 07. Trẻ em F1 cách ly tại nhà, không có phiếu thu tiền ăn thì cần hồ sơ gì và thủ tục gì để được hỗ trợ tiền ăn theo Nghị quyết số 68-NQ/CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ?
    Nội dung:

    Hồ sơ để trẻ F1 cách ly tại nhà được hỗ trợ tiền thực hiện theo quy định tại Khoản 4, Điểm b Khoản 5 Điều 27 của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, bao gồm:

    - Quyết định của cơ quan có thẩm quyền về cách ly tại nhà.

    - Giấy hoàn thành việc cách ly.

    - Bản sao một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng sinh, giấy khai sinh, hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế.

    (Hồ sơ không cần phiếu biên nhận tiền ăn)

    Câu 08. Theo Nghị quyết số 68-NQ/CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, trường hợp trẻ em là F1 sau đó chuyển thành F0, vậy trẻ em được hỗ trợ tiền ăn cả trong thời gian cách ly y tế (F1) và trong thời gian điều trị (F0) có phải không? Và hỗ trợ 1 triệu được tính 1 lần hay 2 lần?
    Nội dung:

    Trường hợp trẻ em là F1 sau đó chuyển thành F0 thì được hưởng hỗ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày trong thời gian thực hiện cách ly y tế thực tế (không quá 21 ngày) và cả trong thời gian điều trị thực tế (không quá 45 ngày).

    Bên cạnh đó, trẻ em được hỗ 01 lần là 1000.000đ/trẻ (theo quy định tại Khoản 3 Điều 26 chương VII Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg).

    Câu 09. Cán bộ, công chức là đối tượng F0 và F1 có được hỗ trợ tiền ăn theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg không?
    Nội dung:

    Theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định hỗ trợ tiền ăn cho toàn bộ đối tượng F0, F1, không phân biệt người đó làm nghề gì. Do vậy, cán bộ, công chức là F0, F1 thì vẫn được hỗ trợ tiền ăn theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

    Câu 10. Trường hợp một số cơ sở cách ly chỉ thu 60.000 đồng/người/ngày hay 70.000 đồng/người/ngày với lý do là có nhiều cá nhân, tổ chức tài trợ thêm. Như vậy thì chỉ thanh toán theo thực tế người dân phải nộp hay thanh toán theo định mức 80.000 đồng/người/ngày?
    Nội dung:

    Đề nghị thanh toán cho người dân theo quy định tại Quyết định  số 23/QĐ-TTg là 80.000 đồng/người/ngày.

Số bản ghi trên 1 trang

Trang

/3