BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỆ THỐNG THÔNG TIN BỘ VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

Hỗ trợ covid 19
Danh sách Covid19

Tìm kiếm

Nhập lại

Câu 01. Đối tượng thuộc được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo theo Nghị quyết số 68-NQ/CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg gồm những ai?
Nội dung:

Theo quy định tại Điều 9 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg thì “người sử dụng lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều 43 Luật Việc làm” nếu đủ điều kiện theo quy định tại Điều 9 này thì sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Người sử dụng lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều 43 Luật Việc làm bao gồm:

- Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;

- Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam;

- Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động không xác định thời hạn, xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Câu 02. Các điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Nghị quyết số 68-NQ/CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg là gì?
Nội dung:

Theo quy định tại Điều 9 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, người sử dụng lao động được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động khi có đủ các điều kiện sau:

- Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ.

- Phải thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động.

- Có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với doanh thu cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020

- Có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Lưu ý: Người sử dụng lao động cần nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ trong thời gian từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022.

Câu 03. Mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Nghị quyết số 68-NQ/CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg là bao nhiêu?
Nội dung:

Mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề tối đa 1.500.000 đồng/người lao động/tháng. Thời gian hỗ trợ tối đa 06 tháng.

Câu 04. Phương thức chi trả kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động là gì?
Nội dung:

Theo quy  định tại khoản 3, Điều 10 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, phương thức chi trả kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động được thực hiện là "chi trả trực tiếp cho người sử dụng lao động theo phương án hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề được phê duyệt”.

Câu 05. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Nghị quyết số 68-NQ/CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg bao gồm những giấy tờ gì?
Nội dung:

Theo quy định tại Điều 11 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động gồm:

1. Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động và kê khai về doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020 theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.

2. Văn bản của người sử dụng lao động về việc thay đổi cơ cấu, công nghệ.

3. Phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Quyết định này.

4. Xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội về việc người sử dụng lao động đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ và đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động tham gia đào tạo.

Câu 06. Người sử dụng lao động nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Nghị quyết số 68-NQ/CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ở đâu?
Nội dung:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, người sử dụng lao động nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở chính.

Câu 07. Thời hạn xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Nghị quyết số 68-NQ/CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg là bao lâu?
Nội dung:

Theo quy định tại khoản 3, Điều 12 Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, thời hạn xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động là trong 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của người sử dụng lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định việc hỗ trợ. Trường hợp không hỗ trợ thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Câu 08. Thời hạn chuyển kinh phí hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Nghị quyết số 68-NQ/CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg là bao lâu?
Nội dung:

Theo quy định tại khoản 4, Điều 12 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, trong 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định hỗ trợ của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh chuyển một lần toàn bộ kinh phí hỗ trợ cho người sử dụng lao động.

Câu 09. Người sử dụng lao động nợ đóng bảo hiểm thất nghiệp có được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo quy định tại Quyết định 23/2021/QĐ-TTg không?
Nội dung:

Theo quy định tại Điều 9 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg thì trường hợp người sử dụng lao động nợ đóng bảo hiểm thất nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện để hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

Câu 10. Để thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo quy định tại Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, xin hỏi cơ quan nào xác nhận về việc người sử dụng lao động đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động?
Nội dung:

Theo khoản 1, Điều 12 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đang tham gia bảo hiểm xã hội xác nhận cho người sử dụng lao động về việc đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ và đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động tham gia đào tạo.

Số bản ghi trên 1 trang

Trang

/2