BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỆ THỐNG THÔNG TIN BỘ VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

FAQ - Các vấn đề thường gặp

Các vấn đề thường gặp

Tìm kiếm

Nhập lại

Trong thời gian khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, giám định y khoa để xác định mức độ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mà được thực hiện theo sự bố trí hoặc do yêu cầu của người sử dụng lao động thì thời gian đó người lao động có được tính vào thời giờ làm việc và được hưởng nguyên lương không?
Thời gian người lao động khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, giám định y khoa để xác định mức độ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mà được thực hiện theo sự bố trí hoặc do yêu cầu của người sử dụng lao động thì thời gian đó được tính vào thời giờ làm việc và được hưởng nguyên lương.
(Theo quy định tại khoản 9 Điều 58 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP)
Thời gian người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động có được tính vào thời giờ làm việc và được hưởng nguyên lương không?
Thời giờ người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động có được tính vào thời giờ làm việc và được hưởng nguyên lương.
(Theo quy định tại khoản 7 Điều 58 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP)
Người lao động có thể nghỉ việc riêng không hưởng lương có được không?
​Ngoài những ngày nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương theo quy định của Bộ luật Lao động thì người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
(Theo quy định tại Điều 115 Bộ luật Lao động).
Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho người sử dụng lao động thì có được nghỉ phép năm? Số ngày nghỉ là bao nhiêu?
​Trong điều kiện làm việc bình thường, người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ 12 ngày làm việc, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động.
Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động vẫn được nghỉ hằng năm và hưởng nguyên lương những ngày nghỉ. Số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
(Theo quy định tại Điều 113 Bộ luật Lao động)
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong bao nhiêu ngày lễ, tết?
Người lao động được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương tổng cộng 11 ngày nghỉ lễ, tết trong 1 năm, bao gồm những ngày sau:
- Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
- Tết Âm lịch: 05 ngày;
- Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
- Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
- Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
​(Theo quy định tại Điều 112 Bộ luật Lao động)
Người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong những trường hợp nào?
​Người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp sau đây:
1) Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
2) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.
(Theo quy định tại khoản 1 Điều 137 Bộ luật Lao động.)
Trường hợp cha nuôi, mẹ nuôi; cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng chết thì người lao động có được nghỉ việc và hưởng nguyên lương không?
​Người lao động được nghỉ việc riêng 03 ngày hưởng nguyên lương nhưng phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp: cha nuôi, mẹ nuôi; cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng chết. 
(Theo quy định tại khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động)
Trong một tháng, người lao động được làm thêm bao nhiêu giờ?
​Người lao động được làm thêm không quá 40 giờ trong 01 tháng.
(Theo quy định tại khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động)
Khi nghỉ hằng năm người lao động có được tạm ứng tiền lương không?
​Khi nghỉ hằng năm mà chưa đến kỳ trả lương, người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.
(Theo quy định tại khoản 3 Điều 101, khoản 5 Điều 113 Bộ luật Lao động)
Trách nhiệm, nghĩa vụ của người lao động trong việc phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc?
Người lao động có nghĩa vụ trong việc phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc như sau:
- Thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
- Tham gia xây dựng môi trường làm việc không có quấy rối tình dục;
- Ngăn cản, tố cáo hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
(Theo quy định tại khoản 2 Điều 86 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ)

Số bản ghi trên 1 trang

Trang

/24