BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỆ THỐNG THÔNG TIN BỘ VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

FAQ - Các vấn đề thường gặp

Các vấn đề thường gặp

Tìm kiếm

Nhập lại

Người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động để làm việc tại Việt Nam với vị trí là chuyên gia, lao động kỹ thuật. Sau khi giấy phép lao động đã được cấp hết hiệu lực, khi làm thủ tục cấp mới giấy phép lao động cho lần tiếp theo thì giấy phép lao động cũ có được coi là giấy tờ chứng minh kinh nghiệm làm việc không?
​Theo quy định tại Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 thì người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động để làm việc tại Việt Nam với vị trí là chuyên gia, lao động kỹ thuật, sau khi giấy phép lao động đã được cấp hết hiệu lực, khi làm thủ tục cấp mới giấy phép lao động cho lần tiếp theo thì giấy phép lao động cũ không được coi là giấy tờ chứng minh kinh nghiệm làm việc (Điều 9 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP).
Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về việc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID – 19 và Công văn số 3246/LĐTBXH-VL ngày 24/9/2021 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP thì với trường hợp nêu trên, giấy phép lao động đã được cấp được coi là giấy tờ chứng minh kinh nghiệm làm việc của lao động nước ngoài (điểm a tiểu mục 4 Mục III Nghị quyết số 105/NQ-CP).
Người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ thuộc trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động (khoản 3 Điều 7 của Nghị định 152/2020/NĐ-CP) được xác định như thế nào? Trường hợp văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã hết hạn mà người lao động nước ngoài có nhu cầu tiếp tục làm việc thì thực hiện như thế nào?
- Theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP thì người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động khi di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới, bao gồm: kinh doanh, thông tin, xây dựng, phân phối, giáo dục, môi trường, tài chính, y tế, du lịch, văn hóa giải trí và vận tải. Danh mục cụ thể của 11 phân ngành dịch vụ được quy định trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam và văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương.
 - Đối với văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã hết thời hạn làm việc mà người lao động nước ngoài có nhu cầu tiếp tục làm việc với hình thức quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP thì làm hồ sơ đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP.
Trường hợp người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc theo hình thức hợp đồng lao động, khi làm thủ tục gia hạn giấy phép lao động thì giấy tờ chứng minh người lao động nước ngoài tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động quy định tại khoản 7 Điều 17 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP là giấy tờ gì?
​Theo quy định tại khoản 7 Điều 17 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP trường hợp người lao động nước ngoài làm việc theo hình thức hợp đồng lao động khi làm thủ tục gia hạn giấy phép lao động thì không cần phải bổ sung giấy tờ chứng minh tiếp tục làm việc theo nội dung giấy phép lao động đã được cấp.
Người lao động nước ngoài không có văn bằng chứng minh đã tốt nghiệp đại học mà chỉ có giấy chứng nhận là đã tốt nghiệp đại học thì giấy chứng nhận đó có được coi là giấy tờ chứng minh có bằng đại học theo quy định tại Nghị định số 152/2020/NĐ-CP và các văn bản có liên quan không?
Theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 9 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP thì giấy tờ chứng minh có bằng đại học hoặc tương đương là: văn bằng, chứng chỉ.
​Theo quy định tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về việc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID – 19 và Công văn số 3246/LĐTBXH-VL ngày 24/9/2021 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP thì ngoài giấy tờ chứng minh nêu trên còn bao gồm "giấy chứng nhận" (điểm a tiểu mục 4 Mục III Nghị quyết số 105/NQ-CP).
Do vậy, giấy chứng nhận là đã tốt nghiệp đại học được coi là giấy tờ chứng minh có bằng đại học theo quy định tại Nghị định số 152/2020/NĐ-CP và Nghị quyết số 105/NQ-CP nêu trên.
Người nước ngoài có 02 quốc tịch, trong đó có 01 quốc tịch Việt Nam, muốn vào Việt Nam để làm việc thì phải làm thủ tục gì để làm việc hợp pháp tại Việt Nam?
- Trường hợp người nước ngoài sử dụng quốc tịch Việt Nam vào Việt Nam để làm việc thì không cần phải xin cấp giấy phép lao động theo quy định của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ.
- Trường hợp người nước ngoài sử dụng quốc tịch nước ngoài, muốn vào Việt Nam làm việc thì phải thực hiện các thủ tục để được cấp giấy phép lao động theo quy định của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ- Trường hợp người nước ngoài sử dụng quốc tịch Việt Nam vào Việt Nam để làm việc thì không cần phải xin cấp giấy phép lao động theo quy định của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ.
Người lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam với vị trí chuyên gia, muốn chuyển sang vị trí lao động kỹ thuật thì phải làm những thủ tục gì?
Trường hợp người lao động nước ngoài A làm cho doanh nghiệp B với vị trí chuyên gia và giấy phép lao động đã hết hiệu lực, nay muốn làm cho doanh nghiệp B hoặc doanh nghiệp C nào đó với vị trí lao động kỹ thuật thì phải đáp ứng đủ điều kiện về lao động kỹ thuật tại khoản 6 Điều 3 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 và làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động mới theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020.
Trường hợp người lao động nước ngoài A làm cho doanh nghiệp B với vị trí chuyên gia và giấy phép đang còn hiệu lực, muốn chuyển sang vị trí lao động kỹ thuật cho doanh nghiệp C thì phải đáp ứng đủ điều kiện về lao động kỹ thuật tại khoản 6 Điều 3 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP và làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động mới theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020.
Trường hợp người lao động nước ngoài A làm cho doanh nghiệp B với vị trí chuyên gia, và giấy phép đang còn hiệu lực, muốn chuyển sang vị trí lao động kỹ thuật và vẫn làm cho doanh nghiệp B thì phải đáp ứng đủ điều kiện về lao động kỹ thuật tại Khoản 6 Điều 3 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 và xin cấp giấy phép lao động mới theo quy định tại Điểm b Khoản 9 Điều 9 của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 trong đó được miễn một số loại giấy tờ so với bình thường (được miễn giấy chứng nhận/giấy khám khám sức khoẻ; phiếu lý lịch tư pháp/ văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự).
Trường hợp người lao động nước ngoài vào Việt Nam để xử lý sự cố thì cần làm thủ tục gì?
​Theo quy định tại khoản 5 Điều 154 của Bộ luật Lao động thì trường hợp người lao động nước ngoài vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để xử lý sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được thì không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Người sử dụng lao động làm phải thủ tục xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020.
Theo quy định của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP thì trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, vị trí nào được coi là giám đốc điều hành?
Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 15/12/2020 của Chính phủ quy định về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam thì “Giám đốc điều hành là người đứng đầu và trực tiếp điều hành đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp”.
Trường hợp người lao động nước ngoài được điều chuyển từ công ty mẹ ở nước ngoài sang làm việc tại Chi nhánh hoạt động theo uỷ quyền của công ty hiện diện thương mại tại Việt Nam thì người lao động nước ngoài có được coi là làm việc theo hình thức di chuyển nội bộ doanh nghiệp không?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP thì người lao động nước ngoài được điều chuyển từ công ty mẹ ở nước ngoài sang làm việc tại chi nhánh hoạt động theo uỷ quyền của công ty hiện diện thương mại tại Việt Nam thì không thuộc hình thức làm việc di chuyển nội bộ doanh nghiệp. 
Người nước ngoài là chủ sở hữu của công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần hoặc thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần có giá trị góp vốn dưới 3 tỷ đồng vào Việt Nam làm việc có phải xin cấp giấy phép lao động theo quy định của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP không?
Căn cứ Điều 7 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP thì người nước ngoài là chủ sở hữu của công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần hoặc thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần có giá trị góp vốn dưới 3 tỷ đồng vào Việt Nam để làm việc, nếu thuộc một trong các hình thức làm việc quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định 152/2020/NĐ-CP thì thực hiện việc cấp giấy phép theo quy định của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP.

Số bản ghi trên 1 trang

Trang

/24