BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỆ THỐNG THÔNG TIN BỘ VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

FAQ - Các vấn đề thường gặp

Các vấn đề thường gặp

Tìm kiếm

Nhập lại

Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có được áp dụng chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghiệp theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg không?
Theo quy định tại Điều 1 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg thì đối tượng được hưởng chính sách này là toàn bộ người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhận dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước).
Do vậy, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam (đang áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động) thuộc đối tượng áp dụng của chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghiệp theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
Thủ tục thực hiện chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghiệp theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg có đơn giản không? Trong thời gian thực hiện chính sách này (mức đóng bằng 0 đồng), thì người lao động nếu bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có bị mất chế độ không? Hay được giữ nguyên như quy định hiện hành?
Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghiệp theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg không phát sinh thêm bất kỳ thủ tục hành chính nào. Người sử dụng lao động vẫn thực hiện đăng ký tham gia và đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định pháp luật hiện hành, nhưng áp dụng mức đóng bằng 0 đồng.
Thời gian đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo chính sách này (từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022) vẫn được tính hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Mọi chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời gian này vẫn được bảo đảm theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Mục tiêu và lợi ích của người sử dụng lao động và người lao động khi thực hiện chính sách giảm mức đóng của người sử dụng lao động vào quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN?
Chính sách này được xây dựng nhằm mục tiêu hỗ trợ, góp phần giảm bớt khó khăn người sử dụng lao động và người lao động trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro, nhưng vẫn bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN . 
Đối tượng hướng tới của chính sách là toàn bộ người sử dụng lao động và người lao động đang áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước).
Theo quy định pháp luật hiện hành, người sử dụng lao động đang đóng cho người lao động vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức từ 0,3% - 0,5 % quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Như vậy, khi áp dụng chính sách, giảm mức đóng về 0 đồng, trong 12 tháng (từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022), ước tính người sử dụng lao động có thêm tổng số khoảng trên 3,7 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho người lao động phòng, chống COVID-19.
Đề nghị hướng dẫn về các nội dung được sử dụng đối với số tiền có được từ việc giảm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động phòng, chống COVID-19, cụ thể như thế nào? Người sử dụng lao động có thể sử dụng số tiền này để chi những nội dung như: Trả phí test nhanh covid cho người lao động, mua mùng mền, ghế xếp, vật dụng phục vụ sản xuất "3 tại chỗ", dụng cụ phòng chống dịch, khẩu trang, tấm chắn, sát khuẩn không?
Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg không quy định cứng nhắc các nội dung chi. Vì vậy, người sử dụng lao động chủ động quyết định nội dung chi hợp pháp trên cở sở bảo đảm "hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động phòng chống đại dịch COVID-19" đúng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
          Đối với các nội dung chi cụ thể tại câu hỏi trên (trả phí test nhanh covid cho người lao động, mua mùng mền, ghế xếp, vật dụng phục vụ sản xuất "3 tại chỗ", dụng cụ phòng chống dịch, khẩu trang, tấm chắn, sát khuẩn) để hỗ trợ cho người lao động phòng chống covid 19 là không trái với các quy định hiện hành.
Chính sách đối với người đạt giải trong các kỳ thi tay nghề gồm những gì?
Nhà nước khuyến khích người học tham gia các kỳ thi tay nghề. Người đạt giải trong các kỳ thi tay nghề quốc gia, thi tay nghề khu vực ASEAN hoặc thi tay nghề quốc tế được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Người đạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi tay nghề quốc gia có bằng tốt nghiệp trung cấp và có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của pháp luật thì được tuyển thẳng vào trường cao đẳng để học ngành, nghề phù hợp với nghề đã đạt giải.
Người đạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN và thi tay nghề quốc tế, nếu có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp, đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của pháp luật thì được tuyển thẳng vào trường đại học để học ngành, nghề phù hợp với nghề đã đạt giải.
          Điều 64 Luật Giáo dục nghề nghiệp
Người học có được học cùng lúc 02 chương trình tại trường cao đẳng hay không? Điều kiện để học cùng lúc 02 chương trình là gì?
Tại trường cao đẳng, người học có thể tham gia học cùng lúc 2 chương trình. Để học cùng lúc hai chương trình, người học cần phải đảm bảo các điều kiện sau:
1. Có đơn đề nghị được học cùng lúc hai chương trình.
2. Ngành, nghề đào tạo ở chương trình thứ hai phải khác ngành, nghề đào tạo ở chương trình thứ nhất
3. Đã học xong học kỳ thứ nhất đối với chương trình có thời gian thực hiện từ một đến hai năm học, đã học xong học kỳ thứ hai đối với chương trình có thời gian thực hiện trên hai năm học. Kết quả học tập của từng học kỳ đã hoàn thành ở chương trình thứ nhất phải đạt loại khá trở lên.
4. Không trong thời gian tạm dừng chương trình đang học, bị kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
  Điều 8 Thông tư 09/2017/TT-BLĐTBXH ngày 13/3/2017 quy định việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ; quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp.
Thủ tục đăng ký dự tuyển vào học ở trường cao đẳng gồm những gì?
1. Hồ sơ và thủ tục để đăng ký dự tuyển vào trường cao đẳng gồm:
a) Phiếu đăng ký dự tuyển theo mẫu quy định của cơ sở đào tạo.
b) Bản sao có chứng thực các loại giấy tờ cần thiết khác tùy theo yêu cầu và tiêu chí xét tuyển hoặc thi tuyển của trường.
2. Cách thức đăng ký dự tuyển
a) Đăng ký trực tiếp trên Phiếu đăng ký dự tuyển và nộp Phiếu đăng ký dự
tuyển tại trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên hoặc tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại địa phương hoặc trực tiếp tại trường đăng ký dự tuyển.
b) Đăng ký trực tuyến (online) trên trang thông tin điện tử về tuyển sinh GDNN của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có địa chỉ tại: http://tuyensinh.gdnn.gov.vn hoặc trên trang thông tin điện tử của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội của địa phương hoặc trên các trang thông tin điện tử của các trường.
c) Đăng ký trực tuyến (online) qua Ứng dụng “Chọn nghề” được cài đặt trên các thiết bị di động (điện thoại thông minh, máy tính bảng).
3. Nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển
a) Phiếu đăng ký dự tuyển có thể nộp trực tiếp tại trường hoặc đăng ký trực tuyến theo các kên thông tin trực tuyến nói trên.
b) Bản sao có chứng thực các loại giấy tờ cần thiết khác theo yêu cầu và hướng dẫn của từng trường: Nộp trực tiếp cho trường đăng ký dự tuyển hoặc gửi qua đường bưu điện theo yêu cầu của trường dự tuyển.
          Điều 5 Thông tư 05/2021/TT-BLĐTBXH ngày 07/7/2021 quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng
Tôi học xong trung học cơ sở (THCS), muốn tham gia học nghề trình độ trung cấp hoặc cao đẳng thì có được không? tôi có thể học ở trình độ nào và trong thời gian bao lâu để được cấp bằng trung cấp hoặc cao đẳng để đi làm?
Người tốt nghiệp THCS có thể vào học trình độ trung cấp mà không cần phải học thêm văn hóa bậc THPT, với thời gian học tập từ 1 đến 2 năm học tùy theo ngành, nghề đào tạo. Nếu muốn học tiếp lên trình độ cao đẳng thì cần phải học và có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp kèm theo giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hoặc giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông hoặc đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông do cơ sở đào tạo cấp. Thời gian để hoàn thành chương trình đào tạo trình độ cao đẳng khi đã có bằng tốt nghiệp trung cấp từ 1 đến 2 năm học tùy theo ngành, nghề đào tạo. Trong trường hợp người học học các ngành, nghề thuộc các lĩnh vực: sức khỏe; nghệ thuật và an ninh, quốc phòng thì ngoài các điều kiện như trên còn phải thực hiện theo các quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan và hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực đó.
          Luật Giáo dục nghề nghiệp
Tôi là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước thuộc một Sở của tỉnh, tiền lương của tôi được hưởng qua kinh phí cấp từ Sở Tài chính. Qua báo đài, tôi được biết là Chính phủ có hỗ trợ cho các đơn vị sử dụng lao động giảm đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19. Như vậy, đối với bản thân tôi cùng những người trong đơn vị tôi có nhận được gói hỗ trợ này không?
Tại Điều 1 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg thì Ông/Bà là viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước nên không thuộc đối tượng hỗ trợ giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo Nghị quyết số 68-NQ/CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg là bao nhiêu tháng?
Thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo quy định tại Nghị quyết số 68-NQ/CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg là 6 tháng.
Đối với trường hợp đã được giải quyết tạm dừng đóng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ, nếu đủ điều kiện thì vẫn được giải quyết nhưng tổng thời gian tạm dừng đóng không quá 12 tháng.

Số bản ghi trên 1 trang

Trang

/24