BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỆ THỐNG THÔNG TIN BỘ VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

FAQ - Các vấn đề thường gặp

Các vấn đề thường gặp

Tìm kiếm

Nhập lại

Những trường hợp nào người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động chỉ cần báo trước mà không cần nêu lý do?
Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người sử dụng lao động nhưng phải thông báo trước cho người sử dụng lao động một khoảng thời gian tùy theo loại hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần nêu lý do, thời hạn báo trước được quy định như sau:
1) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
2) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
3) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
4) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
(Theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động)
Người lao động chưa hết thời gian thử việc đã nghỉ việc, thì người sử dụng lao động có phải trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc không?
Người lao động được trả tiền lương trong thời gian thử việc. Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường. (Theo quy định tại Điều 26 Bộ luật Lao động)
Khi giao kết hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có được giữ bản chính văn bằng, chứng chỉ đào tạo của người lao động không?
Khi giao kết hợp đồng lao động, người sử dụng lao động không được giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động. (Theo quy định tại Điều 17 Bộ luật Lao động)
Người sử dụng lao động có được giữ sổ bảo hiểm xã hội của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động không?
Sau khi chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội và trả lại số bảo hiểm xã hội cho người lao động. (Theo quy định tại khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động) 
Người lao động không đạt yêu cầu khi thử việc, vậy người lao động có được thử việc đối với một công việc khác trong cùng một công ty không?
Người lao động có thể được thử việc đối với công việc khác trong cùng 1 công ty (nhưng không phải là công việc đã thử việc mà không đạt yêu cầu).
(Theo quy định tại Điều 25 Bộ luật Lao động)
Hợp đồng lao động có được giao kết thông qua phương tiện điện tử không?
Người sử dụng lao động và người lao động có quyền giao kết hợp đồng lao động thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Hợp đồng này có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản. (Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Bộ luật Lao động)
Người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động đề nghị đối thoại tại nơi làm việc với người sử dụng lao động về hình thức thưởng nhưng người sử dụng lao động từ chối. Như vậy, hành vi này của người sử dụng lao động có đúng không?
​Người sử dụng lao động phải tổ chức đối thoại với người lao động. Việc từ chối đối thoại của người sử dụng lao động trong trường hợp này là trái với quy định của Bộ luật Lao động.
(Theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Lao động)
Khi nào người sử dụng lao động phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc với người lao động?
​Người sử dụng lao động phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc với người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động trong trường hợp sau đây:
1) Định kỳ ít nhất 01 năm một lần;
2) Khi có yêu cầu của một hoặc các bên;
3) Khi có vụ việc quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36, các điều 42, 44, 93, 104, 118 và khoản 1 Điều 128 của Bộ luật Lao động.
(Theo quy định tại khoản 2 Điều 63 Bộ luật Lao động)
Người sử dụng lao động phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc định kỳ mấy lần trong 01 năm?
​Người sử dụng lao động phải tổ chức đối thoại  tại nơi làm việc với người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần.
(Theo quy định tại khoản 2 Điều 63 Bộ luật Lao động)
Chủ thể nào có quyền quyết định số lượng, thành phần tham gia đối thoại với người sử dụng lao động?
Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và nhóm đại diện đối thoại của người lao động xác định số lượng, thành phần người lao động tham gia đối thoại với người sử dụng lao động.
(Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 38 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP)

Số bản ghi trên 1 trang

Trang

/24