BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỆ THỐNG THÔNG TIN BỘ VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

FAQ - Các vấn đề thường gặp

Các vấn đề thường gặp

Tìm kiếm

Nhập lại

Người lao động có được kiểm tra, giám sát việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động?
​Người lao động được kiểm tra, giám sát  việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động.
(Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 46 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP)
Hội nghị người lao động được tổ chức theo hình thức nào?
Hội nghị người lao động được tổ chức theo hình thức hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu. (Theo quy định tại  khoản 1 Điều 47 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP)
Trường hợp tất cả người lao động trong doanh nghiệp không tham gia bất cứ tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở nào, thì người sử dụng lao động có phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc không?
​Khoản 1 Điều 63 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: đối thoại tại nơi làm việc là việc chia sẻ thông tin, tham khảo, thảo luận, trao đổi ý kiến giữa người sử dụng lao động với người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích và mối quan tâm của các bên tại nơi làm việc nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, cùng nỗ lực hướng tới giải pháp các bên cùng có lợi
Đồng thời, theo khoản 2 Điều 63 Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, cụ thể trong các trường hợp sau: định kỳ ít nhất 01 năm một lần; khi có yêu cầu của một hoặc các bên; khi có vụ việc quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36, các điều 42, 44, 93, 104, 118 và khoản 1 Điều 128 của Bộ luật Lao động.
Vì vậy, trường hợp tất cả người lao động trong doanh nghiệp không tham gia tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở nào, thì người sử dụng lao động vẫn có trách nhiệm đối thoại với người lao động về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích và mối quan tâm của các bên tại nơi làm việc nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, cùng nỗ lực hướng tới giải pháp các bên cùng có lợi.
Trường hợp không có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở tại doanh nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện để những người lao động tự lựa chọn thành viên đại diện cho họ tham gia đối thoại với người sử dụng lao động hay không?
​Người sử dụng lao động có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện để những người lao động không tham gia tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở tự lựa chọn thành viên đại diện cho họ để tham gia đối thoại với người sử dụng lao động, nhằm bảo đảm trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định tại khoản 2 Điều 63 của Bộ luật Lao động năm 2019.
Trường hợp trong doanh nghiệp có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện để những người lao động không tham gia tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở tự lựa chọn thành viên đại diện cho họ để tham gia đối thoại với người sử dụng lao động (theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Nghị định 145/2020/NĐ-CP).
Khi người lao động yêu cầu đối thoại với người sử dụng lao động thì nội dung yêu cầu đối thoại phải bảo đảm điều kiện gì?
​Khi người lao động yêu cầu đối thoại với người sử dụng lao động thì nội dung yêu cầu đối thoại phải được sự đồng ý của ít nhất 30% số thành viên đại diện của bên người lao động tham gia đối thoại theo quy định của pháp luật.
(Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 40 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP)
Người lao động có trách nhiệm gửi nội dung đối thoại cho người sử dụng lao động trước ngày bắt đầu tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc bao nhiêu ngày?
​Chậm nhất 05 ngày làm việc trước ngày bắt đầu tổ chức đối thoại định kỳ, người lao động có trách nhiệm gửi nội dung đối thoại cho người sử dụng lao động.
(Theo quy định tại khoản 3 Điều 39 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP)
Người lao động có được quyết định việc gia nhập hoặc không gia nhập tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở trong quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc?
Người lao động quyết định việc gia nhập hoặc không gia nhập tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở.
(Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 45 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP)
Khi tiến hành đối thoại tại nơi làm việc thì số lượng, thành phần các bên tham gia đối thoại được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP thì số lượng, thành phần các bên tham gia đối thoại được quy định như sau:
- Bên người sử dụng lao động căn cứ điều kiện sản xuất, kinh doanh, tổ chức lao động, người sử dụng lao động quyết định số lượng, thành phần đại diện cho mình để tham gia đối thoại bảo đảm ít nhất 03 người, trong đó có người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động và quy định trong quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.
- Bên người lao động căn cứ điều kiện sản xuất, kinh doanh, tổ chức lao động, cơ cấu, số lượng lao động và các yếu tố bình đẳng giới, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và nhóm đại diện đối thoại của người lao động xác định số lượng, thành phần tham gia đối thoại và xác định số lượng đại diện tham gia đối thoại của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và nhóm đại diện đối thoại của người lao động tương ứng theo tỷ lệ thành viên của tổ chức và nhóm đại diện đối thoại trên tổng số lao động của người sử dụng lao động.
- Việc xác định danh sách thành viên đại diện tham gia đối thoại của bên người sử dụng lao động và bên người lao động được thực hiện định kỳ ít nhất 02 năm một lần và công bố công khai tại nơi làm việc. Trong khoảng thời gian giữa 02 kỳ, nếu có thành viên đại diện bên tham gia đối thoại không thể tiếp tục tham gia thì bên người sử dụng lao động hoặc bên người lao động xem xét, quyết định bổ sung thành viên thay thế và công bố công khai tại nơi làm việc.
- Khi tiến hành đối thoại theo quy định, ngoài các thành viên tham gia đối thoại theo quy định, hai bên thống nhất mời tất cả người lao động hoặc một số người lao động liên quan cùng tham gia đối thoại, bảo đảm có sự tham gia của đại diện lao động nữ khi đối thoại về các nội dung liên quan đến quyền, lợi ích của lao động nữ.
Việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc khi có yêu cầu của một hoặc các bên được quy định như thế nào?
Theo Điều 40 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP thì việc tổ chức đối thoại khi có yêu cầu của một hoặc các bên quy định như sau:
1. Việc tổ chức đối thoại khi có yêu cầu của một hoặc các bên được tiến hành khi nội dung yêu cầu đối thoại của bên đề nghị đối thoại bảo đảm các điều kiện sau:
- Đối với bên người sử dụng lao động, nội dung yêu cầu đối thoại phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động;
- Đối với bên người lao động, nội dung yêu cầu đối thoại phải được sự đồng ý của ít nhất 30% số thành viên đại diện của bên người lao động tham gia đối thoại quy định tại khoản 3 Điều 38 Nghị định Nghị định số 145/2020/NĐ-CP.
2. Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được nội dung yêu cầu đối thoại, bên nhận được yêu cầu đối thoại phải có văn bản trả lời, thống nhất về thời gian, địa điểm tổ chức đối thoại. Người sử dụng lao động và đại diện đối thoại bên người lao động có trách nhiệm phối hợp, tiến hành tổ chức đối thoại.
Diễn biến đối thoại phải được ghi thành biên bản và có chữ ký của đại diện các bên tham gia đối thoại.
Chậm nhất 03 ngày làm việc kể từ khi kết thúc đối thoại, người sử dụng lao động có trách nhiệm công bố công khai tại nơi làm việc những nội dung chính của đối thoại; tổ chức đại diện người lao động (nếu có), nhóm đại diện đối thoại của người lao động (nếu có) phổ biến những nội dung chính của đối thoại đến người lao động là thành viên.
Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) doanh nghiệp có thể loại trừ không áp dụng đối với một hoặc một số nhóm người lao động không?
​Theo khoản 2 Điều 78 Bộ luật Lao động năm 2019, thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp có hiệu lực áp dụng đối với người sử dụng lao động và toàn bộ người lao động của doanh nghiệp. Vì vậy, việc loại trừ bất cứ nhóm đối tượng là người lao động nào của doanh nghiệp trong TƯLĐTT là không đúng quy định của pháp luật.

Số bản ghi trên 1 trang

Trang

/24