BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỆ THỐNG THÔNG TIN BỘ VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

FAQ - Các vấn đề thường gặp

Các vấn đề thường gặp

Tìm kiếm

Nhập lại

Các trường hợp miễn nhiệm hòa giải viên lao động?
​Hòa giải viên lao động miễn nhiệm khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Có đơn xin thôi làm hòa giải viên lao động;
- Không đáp ứng đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 92 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ;
- Có hành vi vi phạm pháp luật làm phương hại đến lợi ích các bên hoặc lợi ích của Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ của hòa giải viên lao động theo quy định của pháp luật;
- Có 02 năm bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ theo quy chế quản lý hòa giải viên lao động;
- Từ chối nhiệm vụ hòa giải từ 02 lần trở lên khi được cử tham gia giải quyết tranh chấp lao động hoặc tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề mà không có lý do chính đáng theo quy định tại quy chế quản lý hòa giải viên lao động.
(Theo quy định tại khoản 1 Điều 94 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP)
Tiêu chuẩn để được bổ nhiệm hòa giải viên lao động là gì?
​Một cá nhân phải có đầy đủ các tiêu chuẩn sau để được đăng ký hoặc giới thiệu tham gia dự tuyển hòa giải viên lao động bao gồm các tiêu chuẩn sau:
-  Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự, có sức khỏe và phẩm chất đạo đức tốt.
- Có trình độ đại học trở lên và có ít nhất 03 năm làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến quan hệ lao động.
- Không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.
(Theo quy định tại Điều 92 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP)
Chủ thể nào có thẩm quyền bổ nhiệm và miễn nhiệm Hòa giải viên lao động?
​Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền bổ nhiệm và miễn nhiệm Hòa giải viên lao động
(Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 93 và điểm c khoản 2 Điều 94 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP)
Thời hạn bổ nhiệm hòa giải viên lao động là mấy năm?
​Thời hạn bổ nhiệm hòa giải viên lao động tối đa không quá 05 năm.
(Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 93 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP)
Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích phát sinh trong trường hợp nào?
1) Tranh chấp lao động phát sinh trong quá trình thương lượng tập thể;
2) Khi một bên từ chối thương lượng hoặc không tiến hành thương lượng trong thời hạn theo quy định của pháp luật.
(Theo Khoản 3 Điều 179 Bộ luật Lao động).
Hội đồng trọng tài lao động có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp lao động nào?
Theo quy định tại các Điều 187, 191, 195 BLLĐ, Hội đồng trọng tài lao động có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền, tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.

(Theo các Điều 187, 191, 195 Bộ luật Lao động).
Hòa giải viên lao động có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp lao động nào?
Theo quy định tại các Điều 187, 191, 195 Bộ luật Lao động năm 2019, Hòa giải viên lao động có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền, tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.

(Theo các Điều 187, 191, 195 Bộ luật Lao động năm 2019).
Tranh chấp lao động là gì?
​Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.
(Theo Khoản 1 Điều 179 Bộ luật Lao động).
Yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tại địa phương do cơ quan nào tiếp nhận?
​Khi có yêu cầu, cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân là đầu mối tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động và có trách nhiệm phân loại, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các bên trong giải quyết tranh chấp lao động.
​Trong thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động có trách nhiệm chuyển yêu cầu đến hòa giải viên lao động đối với trường hợp bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải lao động, chuyển đến Hội đồng trọng tài trong trường hợp yêu cầu Hội đồng trọng tài giải quyết hoặc hướng dẫn gửi đến Tòa án để giải quyết.
(Theo Khoản 3 Điều 181 Bộ luật Lao động).
Tranh chấp lao động tập thể về quyền là gì?
​Tranh chấp lao động tập thể về quyền là tranh chấp giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động phát sinh trong trường hợp sau đây:
1) Có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định của thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và thỏa thuận hợp pháp khác;
2) Có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định của pháp luật về lao động;
3) Khi người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động vì lý do thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động; can thiệp, thao túng tổ chức đại diện người lao động; vi phạm nghĩa vụ về thương lượng thiện chí.
(Theo Khoản 2 Điều 179 Bộ luật Lao động).

Số bản ghi trên 1 trang