BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỆ THỐNG THÔNG TIN BỘ VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

FAQ - Các vấn đề thường gặp

Các vấn đề thường gặp

Tìm kiếm

Nhập lại

Kỳ hạn trả lương cho người lao được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật lao động năm 2019 thì:
- Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.
- Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.
- Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
- Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.
Từ năm 2021, các doanh nghiệp phải xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động theo nguyên tắc nào? Có văn bản hướng dẫn về vấn đề này không?
Theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021) thì việc xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương, định mức lao động do doanh nghiệp xây dựng phù hợp với điều kiện thực tế của từng doanh nghiệp theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên theo quy định tại khoản 3 Điều 93 Bộ luật Lao động năm 2019 thì khi xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động người sử dụng lao động  phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động động thời phải công bố công khai tại nơi làm việc.
Bộ luật Lao động năm 2019 không giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành về xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động, do đó doanh nghiệp căn cứ theo quy định của Bộ luật Lao động để triển khai thực hiện.
Mức lương tối thiểu hiện hành được quy định như thế nào?
Mức lương tối thiểu hiện hành áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 được Chính phủ quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 gồm: vùng I là 4.420.000 đồng/tháng, vùng II là 3.920.000 đồng/tháng, vùng III là 3.430.000 đồng/tháng, vùng IV là 3.070.000 đồng/tháng. Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh. Danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu thuộc vùng I, vùng II, vùng III và vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 90/2019/NĐ-CP.
Tiền lương là gì? Mức lương tối thiểu là gì?
- Theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 90 của Bộ luật Lao động năm 2019 thì tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Trong đó, mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
- Theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 91 của Bộ luật Lao động năm 2019 thì mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.
Nếu do nhu cầu sản xuất, NLĐ đang làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, mức lương theo chức danh công việc cao hơn 5% vị trí làm việc thông thường, điều chuyển sang vị trí bình thường (đã được NLĐ đồng ý bằng văn bản) từ ngày 01/02/2021, NSDLĐ sẽ sử dụng mức lương theo vị trí công việc mới để tính bắt đầu từ ngày 01/02/2021 hay phải giữ mức lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc, sau đó sử dụng mức lương vị trí công việc mới để tính?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 29 BLLĐ thì “Người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.”
Vì vậy, trong tình huống của câu hỏi nêu trên, do NLĐ phải chuyển sang vị trí công việc mới có mức lương thấp hơn tiền lương của công việc cũ nên NLĐ được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Sau đó, NLĐ được hưởng mức lương của công việc mới nhưng ít nhất phải bằng 85% của công việc cũ và không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Ngoài ra, NSDLĐ cần thực hiện đầy đủ các quy định khác của pháp luật lao động liên quan đến chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động: (1) người sử dụng lao động quy định cụ thể trong nội quy lao động những trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà người sử dụng lao động được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động; (2) thông báo trước cho NLĐ;…
Các doanh nghiệp phải xây dựng thang lương, bảng lương theo nguyên tắc nào? Bảng lương hiện nay phải có bao nhiêu bậc; mỗi bậc cách nhau bao nhiêu; thời gian bao lâu NLĐ được nâng một bậc?
​- Điểm đ khoản 2 Điều 114 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của BLLĐ về tiền lương và Nghị định số 121/2018/NĐ-CP ngày 13/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2013/NĐ-CP hết hiệc lực thi hành kể từ ngày 01/02/2021 (ngày Nghị định 145/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành).
Do đó, các quy định về nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương tại Nghị định số 49/2013/NĐ-CP hết hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2021.
- Khoản 1 Điều 93 BLLĐ quy định: “NSDLĐ phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thoả thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động”.
Vì vậy, doanh nghiệp có quyền chủ động xây dựng thang lương, bảng lương của doanh nghiệp mình (chủ động về số bậc, khoảng cách giữa các bậc, thời gian được nâng bậc lương,…) nhưng phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; phải công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện (khoản 3 Điều 93 BLLĐ).
BLLĐ năm 2012 quy định “Người lao động do thôi việc, bị mất việc làm hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ”. Tuy nhiên, theo BLLĐ 2019 thì NSDLĐ chỉ phải thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ đối với trường hợp chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm do thôi việc, bị mất việc làm có đúng hay không?
​Khoản 3 Điều 113 BLLĐ năm 2019 quy định người sử dụng lao động phải thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ đối với trường hợp người lao động do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm.
Như vậy, trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thanh toán tiền lương cho những ngày người lao động chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm chỉ đặt ra trong hai trường hợp: người lao động thôi việc hoặc người lao động bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm.

Số bản ghi trên 1 trang

Trang

/3