BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỆ THỐNG THÔNG TIN BỘ VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

Vướng mắc khi tiến hành quy trình xử lý kỷ luật lao động

12/09/2019

Công ty Vận tải biển Sài gòn kiến nghị như sau: Hiện nay, trong khi tiến hành quy trình xử lý kỷ luật lao động có nhiều khó khăn do có những điểm khác nhau giữa Nghị định 148/2018/ND-CP và Thông tư 47/2015/TT-BLDTBXH nên đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có hướng dẫn cụ thể về quy trình xử lý kỷ luật trong trường hợp nếu người lao động đã được mời họp mà không đến tham dự thì doanh nghiệp có được tiến xử lý kỷ luật luôn không? Hay phải đợi sau 03 lần thông báo mới được họp xem xét kỷ luật để có thể bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người lao động theo đúng pháp luật cũng như để doanh nghiệp có cơ sở để thực hiện?

Bởi theo quy định tại Khoản 12, Điều 1 của Nghị định 148/2018 thì đã sửa đổi quy định tại Điều 30 của Nghị định 05/2015/NĐ-CP với quy định mới là: “Trường hợp người sử dụng lao động phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật lao động sau thời điểm hành vi phạm đã xảy ra, có đủ căn cứ chứng minh được lỗi của người lao động thì Người sử dụng lao động thông báo nội dung, thời gian, địa điểm cuộc họp xử lý kỷ luật lao động đến thành phần tham dự quy định tại Điểm b, c; Khoản 1, Điều 123 của Bộ luật Lao động, bảo đảm các thành phần này nhận được thông báo trước khi diễn ra cuộc họp và tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động khi có sự tham gia của các thành phần thông báo.

Khi nhận được thông báo của người sử dụng lao động, trong thời hạn tối đa 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, thành phần tham dự quy định tại Điểm b, c; Khoản 1, Điều 123 của Bộ luật Lao động phải xác nhận tham dự cuộc họp. Trường hợp không tham dự phải thông báo cho người sử dụng lao động và nêu rõ lý do”.

Trong khi tại Khoản 2, 3, Điều 12 của Thông tư số 47/2015 ngày 16 tháng 11 năm 2015 hướng dẫn Nghị định số 05/2015/ND-CP ngày 12/01/2015 lại có quy định: “Trường hợp người sử dụng lao động đã thông báo bằng văn bản về việc tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động mà một trong các thành phần tham dự không có mặt thì người sử dụng lao động tiếp tục thông báo lần kế tiếp. Sau 03 lần thông báo bằng văn bản về việc tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động (không tính các lần hoãn hoặc hủy hoặc thay đổi địa điểm cuộc họp) mà một trong các thành phần tham dự không có mặt thì người sử dụng lao động tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động, trừ trường hợp người lao động đang trong thời gian không được xử lý kỷ luật quy định tại Khoản 4, Điều 123 của Bộ luật Lao động”.

Rất mong được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giải đáp nhanh nhất có thể để quyền lợi người lao động được bảo đảm và đúng chế độ theo đúng pháp luật cũng như để doanh nghiệp có cơ sở để triển khai.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Văn bản số 3458/LĐTBXH-PC trả lời doanh nghiệp như sau:

Kể từ ngày 15/12/2018, trình tự xử lý kỷ luật lao động được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 148/2016/NĐ-CP ngày 24/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động.