Một số giải pháp tăng cường quản lý chặt chẽ hơn nữa lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
18/02/2019Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ngãi do Ban Dân nguyện chuyển đến tại Công văn số 470/BDN ngày 15/01/2018, nội dung kiến nghị:
"Đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tăng cường phối hợp với Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có biện pháp quản lý tốt đối tượng lao động nước ngoài tại Việt Nam, như: về thông tin tuyển dụng lao động nước ngoài, cấp giấy phép lao động, quản lý hợp đồng lao động, quản lý sinh hoạt,... nhằm đảm bảo công tác quản lý, giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nhất là những vấn đề có thể phát sinh về hôn nhân, gia đình và huyết thống, có thể gây nhiều hệ lụy xã hội trong trương lai" (Kiến nghị số 66)
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời như sau: Theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thực hiện thì người nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp và phải xuất trình giấy phép lao động khi làm các thủ tục liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh và xuất trình theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trừ một số trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định tại Điều 172 Bộ luật Lao động.
Trong thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên hoàn thiện các quy định của pháp luật và ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương để tăng cường công tác quản lý nhất là quản lý lao động làm việc cho các nhà thầu; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình lao động nước ngoài và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong năm 2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Công an thanh tra về tình hình tuyển và sử dụng lao động nước ngoài tại một số địa phương như Thành phố Hà Nội, tỉnh Bình Dương, tỉnh Quảng Ninh... .
Tuy nhiên, để tăng cường quản lý chặt chẽ hơn nữa lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các giải pháp sau:
(1) Hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý lao động nước ngoài hướng tới mục tiêu tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó có nội dung trình Quốc hội dự án Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung trong năm 2019.
(2) Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn và phổ biến các quy định pháp luật Việt Nam liên quan đến lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam với nhiều hình thức phù hợp, thiết thực.
(3) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật Việt Nam liên quan đến người lao động nước ngoài, đặc biệt đối với người lao động nước ngoài làm việc trong các nhà thầu.
(4) Đề nghị các địa phương thường xuyên rà soát, hoàn thiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan ở địa phương nhằm tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài để chia sẻ thông tin và phối hợp quản lý tốt hơn lao động nước ngoài.
(5) Ban hành các công văn chỉ đạo địa phương trong việc đôn đốc, rà soát và tăng cường quản lý lao động nước ngoài.