BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỆ THỐNG THÔNG TIN BỘ VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

Một số quy định về đối tượng không thuộc diện cấp giấy phép lao động khi làm việc tại Việt Nam

05/03/2019

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Nam Định do Ban Dân nguyện chuyển đến tại Công văn số 470/BDN ngày 15/11/2018, nội dung kiến nghị:

"Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đề nghị sửa đổi Điểm b, Khoản 1, Điều 4 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03/02/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về lao động ngước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hướng: Đối với trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 172 Bộ Luật lao động và “Là thành viên góp vốn hoặc là chủ sở hữu của Công ty TNHH” hoặc “Là thành viên Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần” thì khi làm việc tại Việt Nam, doanh nghiệp, tổ chức không phải thực hiện xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài." (Kiến nghị số 68)

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Theo quy định của Bộ luật Lao động thì người lao động nước ngoài là thành viên góp vốn hoặc là chủ sở hữu của Công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc là thành viên Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần thì không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Đây là quy định tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc tuyển dụng người lao động nước ngoài có trình độ kỹ thuật cao hoặc kinh nghiệm trong quản lý đáp ứng nhu cầu. | Doanh nghiệp cần thực hiện báo cáo nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài đối với đối tượng trên để cơ quan quản lý có trách nhiệm kiểm tra, thẩm định thông tin về vị trí công việc, thời gian làm việc của người nước ngoài và đảm bảo những vị trí công việc không tuyển được lao động Việt Nam thì mới được sử dụng lao động nước ngoài cũng như bình đẳng với những đối tượng lao động nước ngoài khác.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 24 của Luật Đầu tư thì nhà đầu tư có quyền góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế. Đồng thời, Luật Đầu tư không có quy định cụ thể về mức góp vốn bao nhiêu thì được coi là nhà đầu tư. Do đó, có một số trường hợp góp số lượng vốn rất thấp (thậm chí là 1 đến 3 triệu đồng) vào các công ty để được coi là thành viên góp vốn và được xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Do đó, cần có quy định nêu trên để đảm bảo việc quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tránh tình trạng người nước ngoài lợi dụng để vào Việt Nam làm việc không đúng quy định.