Vướng mắc khi lập phương án sử dụng lao động trong khi cổ phần hóa
01/02/2019Bà Nguyễn Thì Xuân - Công ty TNHH MTV thương mại đầu tư phát triển đô thị hỏi: Hiện nay khi xây dựng phương án sử dụng lao động theo quy định tại Thông tư 07/2018, Thông tư 44/2015 và Nghị định 126/2017 nhưng do có nhiều điểm chưa thống nhất nên có nhiều điểm vướng và khó cho doanh nghiệp khi triển khai. Rất mong được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Văn phòng Chính phủ giải đáp để công tác tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp bảo đảm đúng tiến độ cũng như quyền lợi của người lao động.
1. Vì hiện nay tại Khoản 4 Điều 45 và Khoản 6 của Phụ lục II của Nghị định 126/2017, tại Thông tư 07/2018 có quy định và tại Theo Thông tư 44/2015 đang có quy định khác nhau nên doanh nghiệp khó xác định thời điểm khi triển khai xây dựng cũng như phê duyệt. Đó là: Thời điểm xác định bắt đầu triển khai xây dựng Phương án sử dụng lao động là từ khi nào? Trước hay sau thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp? Khi phê duyệt phương án sử dụng lao động có cần trước thời điểm có quyết định công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa không?
2. Theo quy định tại Nghị định 126/2017 là “Phương án cổ phần hóa đã bao gồm Phương án sắp xếp lại lao động đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt” nên khi chưa được phê duyệt cũng như xác định thay đổi cơ cấu tổ chức như thế nào thì doanh nghiệp sẽ căn cứ vào cơ sở nào để xây dựng phương án sử dụng lao động theo quy định của Điều 44,46 của Bộ luật Lao động và Điều 13 của Nghị định 05/2015 và tiêu chí lựa chọn lao động dôi dư nghỉ lúc đó sẽ như thế nào?
3. Quy định về mẫu biểu tại Thông tư 07/2018 và Thông tư 44/2015 là hai thông tư cũng có hướng dẫn về xây dựng phương án sử dụng lao động nhưng đang có sự khác nhau và chưa trùng khớp các nội dung trong hướng dẫn nên sẽ phải sử dụng những mẫu biểu nào khi triển khai xây dựng phương án lao động?
4. Tại Bước 4 Phụ lục 2 Thông tư 07/2018 có quy định doanh nghiệp phải dự kiến thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động để tính toán chế độ và tổng hợp nguồn kinh phí dự kiến để giải quyết chế độ đối với người lao động. Vậy thời điểm dự kiến chấm dứt hợp đồng đối với lao động dôi dư được hiểu là lúc nào (trước hay sau khi có quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa doanh nghiệp)?
Rất mong được Bộ Lao động -Thương Binh và Xã hội và Văn phòng Chính phủ sớm có trả lời và hướng dẫn cụ thể để công tác cổ phần hóa được thuận lợi.
Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:
1. Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ quy định chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần (Điều 1). Căn cứ Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 07/2018/TT-BLĐTBXH ngày 01/8/2018 hướng dẫn xây dựng phương án sử dụng lao động, chia phần còn lại của số dư bằng tiền quỹ khen thưởng của người lao động, quỹ phúc lợi, đối tượng, thời gian làm việc để tính mua cổ phần với giá ưu đãi của người lao động trong doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ chuyển thành công ty cổ phần theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ (Điều 1).
Nghị định số 63/2015/NĐ-CP ngày 22/7/2015 của Chính phủ quy định chính sách đối với người lao động dôi dư trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu thực hiện sắp xếp lại theo phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm: cổ phần hóa, bán, chuyển thành công ty trách nhiệm hai thành viên trở lên, chuyển thành đơn vị sự nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản.
Căn cứ quy định nêu trên, khi doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa thì việc xây dựng phương án sử dụng lao động, thực hiện chính sách đối với người lao động theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Thông tư số 07/2018/TT-BLĐTBXH nêu trên, trường hợp trong phương án sử dụng lao động có danh sách người lao động, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp cổ phần hóa chuyên trách tại doanh nghiệp khác không thể bố trí được việc làm và phải chấm dứt hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc (lao động dôi dư) thì việc tính toán, giải quyết chế độ đối với người lao động dôi dư được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 63/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 44/2015/TT-BLĐTBXH ngày 22/10/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
2. Theo quy định tại điểm a khoản 6 Bước 1 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ thì căn cứ quyết định công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa và tình hình thực tế của doanh nghiệp, Ban Chỉ đạo chỉ đạo tố giúp việc phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức tư vấn xây dựng Phương án cổ phần hóa doanh nghiệp. Phương án cổ phần hóa bao gồm phương án sắp xếp lại lao động đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt.
Theo quy định tại Phụ lục 1 Quy trình xây dựng phương án sử dụng lao động ban hành kèm theo Thông tư số 07/2018/TT-BLĐTBXH ngày 01/8/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì sau khi có quyết định phê duyệt kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp, Ban chỉ đạo cổ phần hóa chỉ đạo Tổ giúp việc, phối hợp với doanh nghiệp cổ phần hóa và Ban chấp hành công đoàn cơ sở xây dựng phương án sử dụng lao động theo quy trình, trong đó quy định căn cứ vào thực trạng lao động của doanh nghiệp, phương án sản xuất, kinh doanh trong 3-5 năm tiếp theo, doanh nghiệp cổ phần hóa tiến hành phân loại toàn bộ người lao động tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp; rà soát, phân loại theo thời điểm tuyển dụng lần cuối cùng đối với danh sách người lao động, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp cổ phần hóa chuyên trách tại doanh nghiệp khác không thể bố trí được việc làm và phải chấm dứt hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc; phân loại, rà soát thời gian làm việc, dự kiến thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động (thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động và giải quyết chế độ người lao động dôi dư được thực hiện sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa theo quy định pháp luật về chính sách đối với người lao động dôi dư), tính toán chế độ và tổng hợp nguồn kinh phí dự kiến.
Đề nghị Bà căn cứ các quy định nêu trên để xây dựng phương án sử dụng lao động, thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động, tính toán chế độ đối với người lao động khi doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa.