Thủ tục xử lý kỷ luật người lao động
19/03/2019Công ty TNHH Phụ tùng xe máy – ô tô Showa Việt Nam hỏi: Theo quy định tại Khoản 12, Điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 05/2015/NĐ-CP: “2. Trường hợp người sử dụng lao động phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật lao động sau thời điểm hành vi phạm đã xảy ra, có đủ căn cứ chứng minh được lỗi của người lao động và trong thời hiệu xử lý kỷ luật thì thực hiện như sau:
a) Người sử dụng lao động thông báo nội dung, thời gian, địa điểm cuộc họp xử lý kỷ luật lao động đến thành phần tham dự quy định tại Điểm b, c; Khoản 1, Điều 123 của Bộ luật Lao động, bảo đảm các thành phần này nhận được thông báo trước khi diễn ra cuộc họp và tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động khi có sự tham gia của các thành phần thông báo.
b) Khi nhận được thông báo của người sử dụng lao động, trong thời hạn tối đa 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, thành phần tham dự quy định tại Điểm b, c; Khoản 1, Điều 123 của Bộ luật Lao động phải xác nhận tham dự cuộc họp. Trường hợp không tham dự phải thông báo cho người sử dụng lao động và nêu rõ lý do. Trường hợp một trong các thành phần quy định tại Điểm b, c; Khoản 1, Điều 123 của Bộ luật Lao động không xác nhận tham dự cuộc họp, hoặc nêu lý do không chính đáng, hoặc đã xác nhận tham dự nhưng không đến họp thì người sử dụng lao động vẫn tiến hành xử lý kỷ luật lao động”.
Vậy theo quy định trên, ví dụ ngày gửi thông báo là ngày 01/01/2019, tính toán khoảng ngày 04/01/2019 sẽ nhận được thông báo, vậy phải cộng thêm 3 ngày để người lao động xác nhận tham dự cuộc họp, tức là ngày 08/01/2019 Công ty mới được tiến hành xử lý kỉ luật đúng không?
Ngoài ra, theo quy định pháp luật “bảo đảm các thành phần này nhận được thông báo trước khi diễn ra cuộc họp và tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động khi có sự tham gia của các thành phần thông báo”, vậy khi chúng tôi đã gửi thông báo qua đường bưu điện đến địa chỉ thường trú mà người lao động cung cấp tuy nhiên không có ai nhận thư thông báo vậy Công ty sẽ không được xử lý kỷ luật sao?
Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:
1. Theo quy định tại điểm b và điểm c Khoản 1 Điều 123 của Bộ luật Lao động thì khi xử lý kỷ luật lao động phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở; người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa, trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật.
2. Theo quy định tại điểm 1, điểm 2 Khoản 12 Điều 1 Nghị định số 148/2016/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động thì khi phát hiện người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm, người sử dụng lao động tiến hành lập biên bản vi phạm, thông báo đến tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở; cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật trong trường hợp người lao động là người dưới 18 tuổi để tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động; trường hợp người sử dụng lao động phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật lao động sau thời điểm hành vi vi phạm đã xảy ra, có đủ căn cứ chứng minh được lỗi của người lao động và trong thời hiệu xử lý kỷ luật thì thực hiện như sau:
- Người sử dụng lao động thông báo nội dung, thời gian, địa điểm cuộc họp xử lý kỷ luật lao động đến thành phần tham dự quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 123 của Bộ luật lao động, đảm bảo các thành phần này nhận được thông báo trước khi diễn ra cuộc họp và tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động khi có sự tham gia của các thành phần thông báo.
- Khi nhận được thông báo của người sử dụng lao động, trong thời hạn tối đa 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, các thành phần tham dự nêu trên phải xác nhận tham dự cuộc họp, nếu không tham dự phải thông báo cho người sử dụng lao động và nêu rõ lý do. Trường hợp một trong các thành phần tham dự không xác nhận tham dự cuộc họp, hoặc nêu lý do không chính đáng, hoặc đã xác nhận tham dự nhưng không đến họp thì người sử dụng lao động vẫn tiến hành xử lý kỷ luật lao động.
Căn cứ quy định nêu trên thì công ty có trách nhiệm bố trí thời điểm tổ chức cuộc họp xử lý kỷ luật lao động cho phù hợp sau khi có sự xác nhận tham dự cuộc họp của các thành phần liên quan trong thời hạn tối đa 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo và công ty phải có trách nhiệm tìm các biện pháp liên hệ để người lao động và các thành phần liên quan nhận được thông báo theo quy định.