Chế độ, chính sách đối với người lao động
12/08/2019Công ty TNHH Giầy Alena Việt Nam trân trọng kính gửi tới Văn phòng Chính phủ, và các cơ quan ban ngành có liên quan.
Trong quá trình thực hiện các quy định về pháp luật, Công ty chúng tôi có một số thắc mắc như sau:
1. Chế độ dành cho lao động nữ
- Về chế độ nghỉ dành cho lao động nữ trong thời gian nuôi con nhỏ: Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Vậy, nếu lao động nữ đi làm dưới 7 tiếng/ngày thì thời gian nghỉ 60 phút tính vào thời gian làm việc sẽ tính như thế nào?
Ví dụ 1: Công nhân A đang trong thời gian nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi và được nghỉ ngơi 60 phút trong thời gian làm việc. Ngày 17/04/2019, Công nhân vào ca làm việc được 30 phút sau đó xin phép việc riêng do gia định có việc gấp. Vậy đối với trường hợp này, số giờ nghỉ phép của công nhân A sẽ sẽ tính như thế nào?
2. Xác định tiền lương dùng để chi trả các chế độ thai sản
- Mức hưởng chế độ thai sản: Theo quy định của Luật Bảo hiểm về mức hưởng thai sản “Mức hưởng 1 tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản”.
Như vậy thời điểm làm căn cứ để tính 6 tháng liền kề là thời điểm nghỉ việc tại đơn vị hay thời điểm đơn vị báo giảm thai sản lên cơ quan BHXH?
Ví dụ 2: Công nhân C ngày 25/03/2018 bắt đầu nghỉ thai sản tại đơn vị nên tháng 03/2019 Công ty vẫn đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Tháng 04/2019, Công ty lập danh sách báo giảm thai sản lên cơ quan BHXH. Tháng 05 công nhân nộp đầy đủ chứng từ để công ty làm đề nghị thanh toán chế độ thai sản. Vậy, tiền lương bình quân 6 tháng liền kề đóng BHXH của công nhân này tính từ tháng 10/2019-03/2019 hay từ tháng 09/2018-02/2019?
Kính mong nhận được sự hướng dẫn từ quý cơ quan để công ty chúng tôi thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho người lao động Xin trân trọng cảm ơn
3. Nhận được Công văn số 2387/LĐTBXH- ATLĐ ngày 17/06/2019 về việc trả lời kiến nghị của Công ty THHH Giầy Alena Việt Nam. Công ty chúng tôi muốn xác nhận lại vấn đề sau:
Phần ví dụ trong công văn Công ty chúng tôi hỏi và phần trả lời trong công văn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có phần không khớp nhau:
Công ty chúng tôi muốn hỏi về vấn đề nếu người lao động làm việc không đủ tháng thì sẽ tính như thế nào? (chi tiết xem file đính kèm) nếu theo phần hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Công ty chúng tôi hiểu rằng, người lao động trong tháng dù mới vào làm việc chưa làm đủ số ngày công trong tháng hay chưa làm hết tháng đã nghỉ việc thì trong tháng đó người lao động vẫn được hưởng 1 ngày phép năm (12/12*1) nếu làm công việc bình thường và 1.16 (14/12*1) ngày phép năm nếu làm công việc nặng nhọc độc hại (cụ thể xin xem phần ví dụ trong công văn hỏi).
Vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Văn bản số 3235/LĐTBXH-BHXH trả lời doanh nghiệp như sau:
1. Theo quy định tại khoản 1 Điều 155 của Bộ luật Lao động thì lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Theo đó, lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, mỗi ngày được nghỉ 60 phút tính vào giờ làm việc (thời gian nghỉ không dựa vào số giờ làm việc của người lao động).
2. Trường hợp nêu tại Công văn số 2387/LĐTBXH-ATLĐ ngày 17 tháng 6 năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tổng số ngày nghỉ phép người lao động được hưởng là 02 ngày.
3. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 của Thông tư số 59/2015/TTBLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc thì trường hợp lao động nữ đi làm cho đến thời điểm sinh con mà tháng sinh con được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ việc bao gồm cả tháng sinh con.
Trong ví dụ mà Công ty đưa ra mới chỉ thể hiện thời điểm lao động nữ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, không thể hiện thời điểm lao động nữ sinh con nên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa đủ cơ sở để trả lời cụ thể.