BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỆ THỐNG THÔNG TIN BỘ VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

Cách tính ngày nghỉ hằng năm theo thâm niên công tác

03/12/2019

Công ty TNHH PwC (TPHCM) có nhân viên bắt đầu làm từ tháng 9/2014 và xin nghỉ phép năm 2019 là 12 ngày để về quê. Công ty đã duyệt cho nhân viên này nghỉ hơn 5 ngày nghỉ ốm, nhưng đến tháng 5/2019 thì xin nghỉ việc. Công ty TNHH PwC hỏi, người lao động có phải thanh toán lại tiền nghỉ phép năm và nghỉ ốm cho Công ty không và cách tính như thế nào?

Về vấn đề này, Cục Quan hệ lao động và Tiền Lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:

Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 111 Bộ luật Lao động 2012 về nghỉ hằng năm thì người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động là 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường.

Theo quy định tại Điều 7, Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động về hướng dẫn cách tính số ngày nghỉ hàng năm đối với trường hợp làm không đủ năm như sau:

Lấy số ngày nghỉ hằng năm cộng với số ngày được nghỉ tăng thêm theo thâm niên (nếu có), chia cho 12 tháng, nhân với số tháng làm việc thực tế trong năm để tính thành số ngày được nghỉ hằng năm; kết quả phép tính lấy tròn số hàng đơn vị, nếu phần thập phân lớn hơn hoặc bằng 0,5 thì làm tròn lên 1 đơn vị.

Căn cứ các quy định và nội dung hỏi của Công ty nêu trên thì chưa đủ thông tin về số tháng làm việc thực tế của người lao động để tính số ngày nghỉ hàng năm nên không đủ cơ sở trả lời.

Công ty căn cứ Điều 10 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để được hướng dẫn các chính sách liên quan theo quy định.