Hướng dẫn xây dựng phương án sử dụng lao động khi cổ phần hóa doanh nghiệp
02/11/2019Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Kiên Giang hỏi như sau:
Hiện nay khi lập Phương án sử dụng lao động theo Nghị định 126/2017/NĐ-CP và Nghị định 63/2015/NĐ-CP, hiện có 02 thời điểm chốt danh sách. Đó là tại Khoản 5, Điều 3 Thông tư 44/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 63/2015/NĐ-CP có quy định doanh nghiệp chốt danh sách lao động tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp (đối với trường hợp cổ phần hóa công ty) trong khi tại Bước 6 của Phụ lục 01 Thông tư 07/2018/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 126/2017/NĐ-CP đang quy định là “Chốt danh sách người lao động tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp; tổng hợp, hoàn thiện phương án sử dụng lao động để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt”.
Vậy để bảo đảm đúng quy định theo các bước khi lập Phương án sử dụng lao động tại Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH và Thông tư 07/2018/TT-BLĐTBXH thì doanh nghiệp sẽ phải sử dụng 02 thời điểm để chốt danh sách người lao động, như vậy về quy trình thực hiện khi triển khai:
1. Doanh nghiệp có phải tiến hành 02 lần hội nghị người lao động để duyệt 02 phương án sử dụng lao động với các mẫu biểu tại Thông tư 47/2015 và Thông tư 07/2018 với 02 lần chốt như trên không?
2. Doanh nghiệp có cần phải trình làm 02 lần cho cấp có thẩm quyền để duyệt 02 phương án sử dụng lao động kèm các mẫu biểu tại Thông tư 47/2015 và Thông tư 07/2018 với 02 lần chốt như trên không?
3. Doanh nghiệp sẽ phải kèm theo cả 02 phương án sử dụng lao động với các mẫu biểu theo Thông tư 47/2015 và Thông tư 07/2018 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để đưa vào Phương án cổ phần hóa lấy ý kiến hội nghị người lao động về phương án cổ phần hóa hay chỉ cần đưa vào Phương án cổ phần hóa Phương án sử dụng lao động với các mẫu biểu của Thông tư 47/2015 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (do danh sách lập theo Thông tư 47/2015 là tại thời điểm công bố trị doanh nghiệp, đây là thời điểm sau của thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp theo Thông tư 07/2018)?
4. Khi xin ý kiến và khi phê duyệt thì có 02 thời điểm như trên, vậy khi quyết toán chế độ dôi dư theo Nghị định 63/2015 và Thông tư 47/2015 thì mốc thời gian nào được lựa chọn để tính toán lại và quyết toán chế độ trợ cấp mất việc làm và cũng như các chế độ dôi dư khác có liên quan đối với người lao động dôi dư là Thời điểm dự kiến chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Bước 4 của Thông tư 07/2018 hay thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp hay đúng thời điểm cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lao động hay phải sử dụng thời điểm nào khác?
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Văn bản số 621/QHLĐTL-CSLĐ trả lời doanh nghiệp như sau:
1. Khi thực hiện chuyển công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần thì việc xây dựng phương án sử dụng lao động, thực hiện chính sách đối với người lao động được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về chuyên doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần và Thông tư số 07/2016/TT-BLĐTBXH ngày 01 tháng 8 năm 2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn xây dựng phương án sử dụng lao động và thực hiện chính sách đối với người lao động khi cổ phần hóa quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP nêu trên.
Trường hợp trong phương án sử dụng lao động có danh sách người lao động, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp cổ phần hóa chuyên trách tại doanh nghiệp khác không thể bố trí được việc làm và phải chấm dứt hợp đồng lao động thì căn cứ quy định tại Nghị định số 63/2015/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định chính sách đối với người lao động dôi dư trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và Thông tư số 44/2015TT-BLĐTBXH ngày 22 tháng 10 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 63/2015/NĐ-CP phân loại, rà soát thời gian làm việc, dự kiến thời điểm châm dứt hợp đồng lao động, tính toán chế độ và tổng hợp nguồn kinh phí giải quyết chế đối với người lao động dôi dư.
2. Căn cứ quy định tại Điều 43 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Điều 3 Thông tư số 07/2018/TT-BLĐTBXH và Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 07/2018/TT-BLĐTBXH nêu trên thì thời điểm chốt danh sách lao động tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.
3. Căn cứ Điều 3 và Điều 4 Nghị định số 63/2015/NĐ-CP và Khoản 6 Điều 3 Thông tư số 44/2015/TT-BLĐTBXH nêu trên thì doanh nghiệp cổ phần hóa căn cứ vào kế hoạch cổ phần hóa để xác định thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động và tính toán chế độ đối với người lao động dôi dư.
4. Căn cứ quy định tại Khoản 4, 5 và Khoản 6 Điều 6 Thông tư số 44/2015/TT-BLĐTBXH nêu trên thì trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kinh phí thực hiện chế độ từ các nguồn theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 63/2015/NĐCP, công ty thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động dôi dư, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, công ty có trách nhiệm chi trả các chế độ đối với người lao động dôi dư theo quy định; thực hiện thanh toán, quyết toán kinh phí thực hiện chế độ đối với người lao động dôi dư theo quy định của pháp luật. Vì vậy, việc thanh toán kinh ph: đối với người lao động dôi dư được xác định theo quy định pháp luật.