Trong một số trường hợp đặc biệt, thời gian làm thêm giờ của người lao động không được quá 300 giờ/ năm
02/04/2020Công ty TNHH Wilmar Agro Việt Nam là doanh nghiệp thực hiện thu mua cám gạo, trích ly dầu gạo và sản xuất cám gạo trích ly giàu đạm. Công ty hiện có một số lý do về việc khó đáp ứng thời gian làm thêm giờ là 200 giờ như hiện nay như sau:
1. Doanh nghiệp đang áp dụng thời gian làm việc rút gọn là 44h/tuần.
2. Doanh nghiệp hoạt động theo mùa thu hoạch lúa, do đó có mùa cao điểm và mùa thấp điểm. Nếu tuyển đủ 4 kíp người thì mùa thấp điểm không bố trí được việc làm, nếu tuyển 3 kíp nhân viên thì mùa cao điểm sẽ phát sinh thêm giờ nhiều.
3. Nhân viên 1 năm nghỉ 12 – 18 ngày phép tùy theo thâm niên hoặc điều kiện làm việc, khi nhân viên nghỉ phép thì số giờ thêm giờ phát sinh để bù cho thời gian nghỉ phép chính bằng số thời gian nghỉ phép hay bằng 96h đến 144h chiếm gần hết quỹ thêm giờ luật cho phép.
4. Nhân viên nghỉ ốm trong năm cũng chiếm bình quân khoảng 5 ngày như vậy số giờ làm thêm giờ của nhân viên hàng năm để bù đắp cho nhân lực thiếu hụt do nghỉ ốm cũng chiếm 40h.
5. Hiện nay, thị trường lao động của Việt Nam ngày càng sôi động, tỷ lệ nhân viên nhảy việc, nghỉ việc khá cao, đặc biệt là nhóm lao động cấp thấp như công nhân, thợ có tay nghề,... Sự khan hiếm càng rõ hơn ở khu vực Tây Nam Bộ do đây là vùng trũng của ngành giáo dục, lao động có trình độ cao hoặc lành nghề rất khan hiếm.
Vì vậy, thời gian tuyển thay thế và đào tạo lao động kéo dài từ 30 ngày đến 90 ngày tùy loại lao động (có những vị trí tuyển ½ năm cũng chưa tuyển được), nếu chỉ tính thời gian đào tạo số lao động này là 30 ngày thôi thì số thời gian thêm giờ cũng đã chiếm gần hết quỹ thêm giờ luật cho phép. Do đó, công ty rất mong Dự luật sửa đổi Bộ luật Lao động sắp tới được soạn thảo thì có thể điều chỉnh hợp lý hơn về "thời gian làm thêm giờ" để doanh nghiệp có thể yên tâm hoạt động sản xuất và làm đúng quy định của pháp luật về giờ làm việc cũng như góp phần đóng góp xây dựng sự phồn vinh của đất nước Việt Nam.
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có văn bản số 5199/LĐTBXH-BHXH ngày 03/12/2019 trả lời tới Doanh nghiệp và các độc giả quan tâm như sau:
Công ty tham khảo quy định tại Điểm b, Khoản 2 Điều 106 Bộ Luật Lao động, trong đó quy định trong một số trường hợp đặc biệt thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm. Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định cụ thể việc tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.
Đối với những doanh nghiệp sử dụng người lao động làm công việc sản xuất có tính thời vụ và công việc gia công hàng theo đơn đặt hàng, có thể tham khảo Thông tư số 54/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.