Kiến nghị của cử tri đề nghị xem xét nâng mức trợ cấp hiện tại cho người cao tuổi
17/01/2020Cử tri các tỉnh Long An, Đắk Lắk, Hà Nam, Yên Bái, Bến Tre, An Giang, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hải Phòng, thành phố Cần Thơ và thành phố Đà Nẵng gửi kiến nghị trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV về các vấn đề liên quan tới người cao tuổi như sau:
"Kiến nghị Trung ương xem xét nâng mức trợ cấp hiện tại cho người cao tuổi vì hiện nay còn thấp và hạ độ tuổi hưởng trợ cấp từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi là phù hợp. Đồng thời tiếp tục ban hành các chính sách để người cao tuổi, nhất là người nghèo được tiếp cận với các dịch vụ khám chữa bệnh tốt hơn" (Kiến nghị số 49).
"Trước kỳ họp thứ 5, Đoàn ĐBQH tỉnh đã kiến nghị: Xem xét hạ độ tuổi của người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng (theo Khoản 2, Điều 6, Nghị định 06/2011/NĐ-CP) từ đủ 80 tuổi xuống 75 tuổi. Bộ LĐTBXH đã trả lời (tại VB số 3043/LĐTBXH-VP ngày 30/7/2018): Bộ sẽ trình xem xét trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật Người cao tuổi. Đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục nhận được ý kiến của nhiều cử tri kiến nghị về nội dung này. Đề nghị Bộ LĐTB&XH sớm cho Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi các quy định của Luật người cao tuổi" (Kiến nghị số 50).
"Nghiên cứu, tham mưu Chính phủ tổng kết thi hành Luật Người cao tuổi, làm cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình hiện nay; đồng thời, nâng trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi theo hai mức: dưới 90 tuổi là 350 nghìn đồng/tháng và trên 90 tuổi là 500 nghìn đồng/tháng" (Kiến nghị số 52).
“Cử tri tiếp tục đề nghị có chính sách cho người cao tuổi là những đối tượng nghỉ hưu; đề nghị hạ độ tuổi hưởng trợ cấp người cao tuổi xuống 75 tuổi; đồng thời nâng định mức quà tặng đối với những người được chúc thọ hàng năm;” (Kiến nghị số 53).
"Việc mức trợ cấp cho người 80 tuổi không có lương hưu hiên nay quá thấp đã được thông qua trên 10 năm (mức trợ cấp 270.000 đồng). Đề nghị nhà nước nghiên cứu nâng mức trợ cấp để người trên 80 tuổi nhằm bớt khó khăn" (Kiến nghị số 59).
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
1. Về vấn đề tổng kết thi hành và sửa đổi Luật Người cao tuổi
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, trên cơ sở kết quả đánh giá, Ban Chấp hành Trung ương sẽ xem xét, ban hành Nghị quyết về chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2021-2030 với những giải pháp tổng thể để thúc đẩy, tăng cường bảo đảm an sinh xã hội trong giai đoạn tới, trong đó sẽ giao cho Chính phủ, Quốc hội có những giải pháp để ứng phó với vấn đề già hóa dân số. Do đó, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Người cao tuổi sau khi Nghị quyết mới của Trung ương được ban hành. Dự kiến Báo cáo sẽ trình Hội nghị lần thứ 12, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII vào tháng 5/2020. Lộ trình xây dựng Luật sửa đổi Luật Người cao tuổi sẽ bắt đầu vào năm 2021.
2. Về nâng mức trợ cấp xã hội và hạ độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi; ban hành các chính sách để người cao tuổi, nhất là người cao tuổi nghèo được tiếp cận với các dịch vụ khám chữa bệnh tốt hơn
Trong những năm vừa qua, công tác bảo đảm an sinh xã hội nói chung, công tác chăm sóc người cao tuổi nói riêng ngày càng đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các chính sách an sinh xã hội từng bước được mở rộng về phạm vi, đối tượng và mức hưởng, trong đó, đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi đã được cải thiện cùng với sự phát triển của đất nước. Người cao tuổi được hưởng chính sách của nhà nước hỗ trợ cuộc sống, bảo hiểm y tế và chăm sóc sức khỏe; các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được tổ chức rộng rãi ở gia đình và cộng đồng,…
Mức trợ cấp hiện hành đối với người từ 80 tuổi trở lên tuy chưa cao nhưng đã góp phần vào việc cải thiện đời sống của người cao tuổi, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới các đối tượng yếu thế này.
Đề xuất nâng mức trợ cấp xã hội và hạ độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi là chính đáng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xin tiếp thu trong quá trình tổng kết, đánh giá trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ.
3. Về kiến nghị trợ cấp xã hội cho người cao tuổi đang hưởng lương hưu
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 17 của Luật Người cao tuổi thì đối tượng người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng. Đây là chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên không có nguồn thu nhập như lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng nhằm hỗ trợ người cao tuổi bớt khó khăn trong cuộc sống, không phải là chính sách “ưu đãi” người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên nói chung.
Trong thời gian tới, khi điều kiện ngân sách Nhà nước cho phép, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ báo cáo, trình cấp có thẩm quyền quyết định về vấn đề này.
4. Về nâng định mức tặng quà chúc thọ, mừng thọ đối với người cao tuổi
Để tăng mức tặng quà chúc thọ, mừng thọ đối với người cao tuổi, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 96/2018/TT-BTC ngày 18/10/2018, quy định quản lý và sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú; chúc thọ, mừng thọ; ưu đãi tín dụng và biểu dương, khen thưởng người cao tuổi (thay thế Thông tư số 21/2011/TT-BTC), trong đó quy định mức tặng quà chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi như sau: Người cao tuổi thọ 100 tuổi được Chủ tịch nước thọ và tặng quà gồm 5 mét vải lụa và 700.000 đồng tiền mặt; Người cao tuổi thọ 90 tuổi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chúc thọ và tặng quà gồm hiện vậy trị giá 150.000 đồng và 500.000 đồng tiền mặt. Mức chi nêu trên là mức tối thiểu. Căn cứ khả năng cân đối ngân sách địa phương và tình hình thực tế, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể xem xét, quyết định mức chi cao hơn mức quy định tại Thông tư này; đồng thời xem xét, quyết định theo thẩm quyền mức quà tặng người cao tuổi ở tuổi 70, 75, 80, 85, 95 và trên 100 tuổi trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.