Thông qua việc thực hiện điều chỉnh lương hưu thời gian qua, đời sống của người nghỉ hưu đã từng bước được cải thiện
19/03/2020Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Bình Dương, Tây Ninh, Long an, Đắk Lắk, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh do Ban Dân nguyện chuyển đến tại Công văn số 03/BDN ngày 08/01/2020, nội dung kiến nghị:
“Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét tăng lương hưu đối với nhóm đối tượng những người nghỉ hưu từ năm 1993 trở về trước có mức lương hưu thấp (chủ yếu dưới 2.000.000đ/tháng) lên mức tối thiểu từ 3.500.000đ/tháng. Vì các đối tượng này tuổi đã cao, không còn khả năng lao động, với mức lương hiện hưởng rất khó khăn trong việc bảo đảm điều kiện cuộc sống, trong khi các đối tượng này hầu như không có các nguồn thu nhập khác” (Kiến nghị số 33)
“Hiện nay chế độ hưu trí của đối tượng là cán bộ xã nghỉ hưu từ những năm 1990-2000 lương hưu rất thấp, chỉ dưới 2.000.000đ/tháng. Cử tri đề nghị xem xét nâng mức lương hưu từ 2.000.000đ lên 3.500.000đ/tháng”.(Kiến nghị số 34)
“Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng quan tâm đến chế độ, chính sách lương cho cán bộ, công chức, bộ đội xuất ngũ về hưu trước năm 1993 vì hiện nay còn thấp; tiếp tục hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động”. (Kiến nghị số 35)
“Lương hưu cán bộ công chức giai đoạn trước thời kỳ đổi mới thấp hơn khá nhiều so với cán bộ công chức về hưu hiện nay. Do đó, cử tri đề nghị cần xem xét điều chỉnh lương của các đối tượng về hưu trước thời kỳ đổi mới nhằm giúp các đối tượng này đảm bảo trang trải cuộc sống”.(Kiến nghị số 37)
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội thì “mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội”, theo đó mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính trên cơ sở mức tiền lương tháng làm căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội và thời gian người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội. Như vậy, mức lương hưu của người lao động cao hay thấp tùy thuộc vào thời gian đóng và mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khi còn làm việc.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới đời sống của những người nghỉ hưu, đặc biệt là những người nghỉ hưu trước năm 1993, những người có mức lương hưu thấp. Trong giai đoạn 2003- 2007, Chính phủ đã 06 lần điều chỉnh lương hưu với mức tăng từ 164,8% đến 228,8% tuỳ thuộc vào mức tiền lương, hệ số lương trước khi nghỉ hưu và thời điểm nghỉ hưu (trong đó những người nghỉ hưu trước tháng 9/1985 và trước tháng 4/1993 được điều chỉnh với tỷ lệ cao hơn). Trong giai đoạn từ 2008 đến nay, Chính phủ đã 12 lần điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng với mức tăng thêm từ 207,01% đến 298,59%. Trong đó, riêng đối với những người nghỉ hưu có mức lương hưu thấp, triển khai Nghị quyết số 99/2015/QH13 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2016/NĐ-CP ngày 15/6/2016, theo đó từ ngày 01/01/2016, tăng thêm 250.000 đồng/người/tháng đối với người hưởng lương hưu có mức lương hưu dưới 2 triệu đồng/tháng và tăng thêm 150.000 đồng/người/tháng đối với người hưởng trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng với mức trợ cấp dưới 2 triệu đồng/tháng.
Như vậy, thông qua việc thực hiện điều chỉnh lương hưu thời gian qua, đời sống của người nghỉ hưu đã từng bước được cải thiện. Ngày 23/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó chỉ rõ: “… lương hưu cơ bản được điều chỉnh chủ yếu dựa trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, khả năng của Quỹ bảo hiểm xã hội và ngân sách Nhà nước; quan tâm điều chỉnh thoả đáng đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ”.