BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỆ THỐNG THÔNG TIN BỘ VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

Khảo sát kỹ nhu cầu cung ứng của các địa phương, phù hợp với đặc điểm kinh tế của từng vùng để đề xuất trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn tới

21/03/2020

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hòa Bình, thành phố Hồ Chí Minh do Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến tại Công văn số 03/BDN ngày 08/01/2020, nội dung như sau:

Cử tri kiến nghị Nhà nước tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo, nhất là đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. (Kiến nghị số 51)

Các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã góp phần quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc miền núi, nhận được sự đồng thuận cao của Nhân dân. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả chính sách này, cử tri đề nghị cần có cơ chế khảo sát nhu cầu cung ứng của các địa phương để phù hợp với đặc điểm kinh tế của từng vùng, tránh hình thức, lãng phí, nhất là việc hỗ trợ cây trồng cho các địa phương. (Kiến nghị số 70)

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Trong những năm qua, việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực giảm nghèo nhìn chung đã được tổ chức thực hiện có hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, từng bước chuyển biến trong phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đúng như kiến nghị của cử tri, để tiếp tục phát huy có hiệu quả các chính sách này, cần tiếp tục nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng đặc điểm tình hình của từng vùng, từng khu vực để thiết kế chính sách cho phù hợp, lựa chọn các mô hình sản xuất theo điều kiện, lợi thế của từng vùng, tập quán từng địa phương để giúp khai thác được tiềm năng tự nhiên và lao động của địa phương đó; chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn nhằm đảm bảo tính ổn định, bền vững,...

Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá tổng thể kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và chuẩn bị nội dung đánh giá, tổng kết các nhiệm vụ của chương trình, chính sách giảm nghèo giai đoạn vừa qua (theo tinh thần Nghị quyết 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Nghị quyết 80/NQ-CP của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020, Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020). Trên cơ sở đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất chương trình, chính sách giảm nghèo giai đoạn sau năm 2020 trình Chính phủ, Quốc hội phê duyệt để thực hiện.

Tiếp thu ý kiến của cử tri và Đoàn Đại biểu Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ lưu ý khảo sát kỹ nhu cầu cung ứng của các địa phương, phù hợp với đặc điểm kinh tế của từng vùng để đề xuất trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn tới.