BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỆ THỐNG THÔNG TIN BỘ VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

Bảo hiểm xã hội đối với người Lao động nước ngoài tại Việt Nam

03/11/2020

Công ty TNHH Apple Film Đà Nẵng ở TP. Đà Nẵng gửi đến HTTT Bộ với người dân và doanh nghiệp câu hỏi như sau: Trong quá trình triển khai và phát triển đầu tư tại Việt Nam, Inabata Nhật Bản (IKI) đã điều động một số chuyên gia, nhà quản lý cao cấp từ IKJ và các cấp công ty thành viên trong trọng Tập đoàn đến Việt Nam để tham gia quản lý và điều hành công việc ở 3 công ty con này.

Hiện tại, Tập đoàn chúng tôi đang cố vướng mắc về việc thực hiện Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018 về Luật Bảo hiểm xã hội đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam như sau: Căn cứ theo điều 2 của Nghị định 143/2018/ND-CP ngày 15/10/2018, người nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03/02/2016 không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Như vậy, việc Inabata Nhật Bản điều chuyển chuyên gia, nhà quản lý cao cấp (các lao động này đã được tuyển dụng trên 12 tháng trước khi có quyết định điều chuyển công tác) từ Inabata Nhật Bản và các công ty thành viên trong tập đoàn đến để làm việc tại các công ty con tại Việt Nam thì có được xác định đó là di chuyển trong nội doanh nghiệp không? (Mỗi chuyên gia, nhà quản lý cao cấp nước ngoài chỉ làm việc tại 1 công ty con tại Việt nam).

Theo thông tin đăng tải trên tổng thông tin điện tử của Quý Bộ về trường hợp của Tập đoàn Panasonic Nhật Bản có công ty con tại Việt Nam là Panasonic Việt Nam thì người lao động là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật đã được Tập đoàn Panasonic tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng và sau đó được Tập đoàn điều chuyển sang làm việc tại các Công ty Panasonic ở Việt Nam thì người lao động nước ngoài đó được xem là di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP và thuộc diện loại trừ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP. (http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=29486.

Như vậy, Trường hợp điều chuyển lao động nước ngoài của Tập đoàn chúng tôi có được xem làdi chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành không? Chúng tôi mong nhận được sự hướng dẫn sớm của Quý Bộ để doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

Vấn đề này, Vụ Bảo hiểm Xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Theo quy định tại Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì người lao động nước ngoài thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có đủ các điều kiện sau đây:

(1) Có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp;

(2) Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam;

(2) Chưa đủ 60 tuổi đối với nam và chưa đủ 55 tuổi đối với nữ.

(3) Không thuộc đối tượng di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP, bao gồm người lao động là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật đang làm việc tại một doanh nghiệp nước ngoài, đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng và được cử sang làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam.

Trường hợp những người lao động nước ngoài đó được tập đoàn điều động đến làm việc tại công ty ở Việt Nam và đáp ứng đủ điều kiện di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 143/2018/NĐ-CP.

Trường hợp những người lao động nước ngoài đó được tập đoàn điều động đến làm việc tại công ty ở Việt Nam; tuy nhiên chưa đáp ứng đủ điều kiện di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP thì thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Việt Nam và được thực hiện 5 chế độ: ốm đau, thai sản, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất tương tự như lao động Việt Nam.