BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỆ THỐNG THÔNG TIN BỘ VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ tiền lương trong các doanh nghiệp để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động.

16/05/2020

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được kiến nghị của cử tri TP. Cần Thơ nội dung như sau:

“Đề nghị giám sát chặt chẽ việc xây dựng đơn giá tiền lương tại các tổ chức, doanh nghiệp (nhất là các tổ chức, doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài), đảm bảo phù hợp với đặc điểm, điều kiện, môi trường làm việc; phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm chính sách, pháp luật về tiền lương, thời gian làm việc, làm thêm giờ, nhằm đảm bảo thu nhập, sức khỏe của người lao động.”

Vấn đề này, Bộ trả lời như sau:

Theo quy định của Bộ Luật lao động và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII thì việc xây dựng chính sách trả lương (thang lương, bảng lương, định mức lao động...) làm cơ sở tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận và trả lương cho người lao động thuộc quyền tự chủ của doanh nghiệp, sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và được công bố công khai tại nơi làm việc của người lao động trước khi thực hiện. Theo đó, để việc thực hiện chế độ tiền lương cho người lao động đúng quy định, trước hết tổ chức đại diện người lao động cần tăng cường vai trò giám sát việc thực hiện các nội dung đã thương lượng, thỏa thuận, tăng cường chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, qua đó bảo đảm cho các doanh nghiệp thực hiện các chế độ chi trả tiền lương cho người lao động theo đúng quy định.

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, trong thời gian vừa qua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan quản lý lao động tại địa phương cũng đã thường xuyên thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tình hình pháp luật lao động nói chung và các chế độ tiền lương trong các doanh nghiệp để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động. Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật lao động trong một số doanh nghiệp vẫn còn diễn ra, vì vậy trong thời gian tới Bộ cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan lao động địa phương, đặc biệt là thanh tra Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần tiếp tục tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn, xử lý các sai phạm trong việc thực thi pháp luật lao động để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, giải quyết hài hòa lợi ích các bên, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.