Luật Bảo hiểm xã hội không quy định về việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian người lao động nghỉ dưỡng thai
03/11/2020Bà Mai ở Hà Nội gửi đến HTTT Bộ với người dân và doanh nghiệp câu hỏi như sau: Tôi đóng BHXH dưới 15 năm, nay làm thụ tinh nhân tạo và đang có thai, BS có chỉ định nghỉ dưỡng thai đến khi sinh. Vậy tôi có được nghỉ dưỡng thai hay không? Khi tôi sinh con có được hưởng chế độ thai sản hay không và hồ sơ cần có giấy tờ gì?
Vấn đề này, Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
- Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì người lao động được nghỉ hưởng các chế độ thai sản khi: khám thai; sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý; sinh con; nhận nuôi con nuôi; thực hiện các biện pháp tránh thai; mang thai hộ.
Như vậy, Luật Bảo hiểm xã hội không quy định về việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian người lao động nghỉ dưỡng thai.
- Theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội thì lao động nữ sinh con đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con để được hưởng chế độ thai sản khi sinh con.
- Hồ sơ hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội bao gồm:
(1) Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;
(2) Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc..
(3) Danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản do người sử dụng lao động lập (đối với trường hợp đang tham gia BHXH).
Đề nghị bà đối chiếu quy định trên để thực hiện.