BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỆ THỐNG THÔNG TIN BỘ VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng

18/02/2021

A Tiến – Hà Nội gửi câu hỏi tới HTTT Bộ với người dân và doanh nghiệp về việc công ty của anh có trường hợp người lao động tự ý nghỉ việc nhiều ngày liên tục trong khi không đưa ra được lý do chính đáng làm ảnh hưởng tới công việc của công ty. Vì vậy anh muốn hỏi rằng, trong trường hợp này công ty của anh có được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động này hay không?

Vấn đề này,  Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Bộ Luật lao động năm 2019 đã bổ sung thêm 03 trường hợp người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, cụ thể:

1) Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật Lao động, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;

2) Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;

3) Người lao động cung cấp không trung thực thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật Lao động khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.

Đối với trường hợp 2 thì người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng không phải báo trước với người lao động.

Đối với trường hợp 1 và 3 thì người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng phải báo trước cho người lao động một khoảng thời gian dưới đây: 

1) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

2) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

3) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng và đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

4) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

(Theo điều 36 Bộ Luật lao động)