Người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp
18/03/2021Anh Thanh ở thôn CĐ, đang làm công nhân ở doanh nghiệp sản xuất tất tay. Anh và rất nhiều công nhân khác thấy Công đoàn trong doanh nghiệp hoạt động chưa hiệu quả. Vì vậy, anh Thanh muốn hỏi: anh và những người công nhân khác có quyền thành lập một tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để đại diện bảo vệ quyền lợi cho mình không? Nếu được thành lập thì liệu tổ chức này có bình đẳng với Công đoàn cơ sở trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động không?
Vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Điều 170 Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, quy định quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở như sau:
1. Người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn.
2. Người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định tại các điều 172, 173 và 174 của Bộ luật Lao động.
3. Các tổ chức đại diện người lao động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 170 của Bộ luật Lao động bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động.
Như vậy, căn cứ vào quy định trên, anh Thanh và những công nhân khác có quyền thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp mình làm. Khi Tổ chức này được thành lập và hoạt động hợp pháp thì hoàn toàn bình đẳng về quyền và nghĩa vụ với các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khác trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.