BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỆ THỐNG THÔNG TIN BỘ VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời cử tri về việc xác định mức độ khuyết tật đối với người cao tuổi, tàn tật sống cô đơn

08/06/2021

Tại nội dung Công văn số 92/BDN ngày 06/4/2021 được Ban Dân nguyện chuyển đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cử tri TP. Hà Nội phản ánh rằng hiện nay các đối tượng tàn tật, người cao tuổi, cô đơn, có hoàn cảnh khó khăn đã được Nhà nước quan tâm cho hưởng các chế độ, tuy nhiên để được hưởng chế độ phải đi giám định sức khỏe, nhiều trường hợp, người cao tuổi, tàn tật sống cô đơn gặp nhiều khó khăn do không có người đưa đi giám định. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xem xét lại quy định này, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng trên.

Vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Theo quy định Luật Người cao tuổi, những người cao tuổi nghèo không có người có nghĩa vụ, quyền phụng dưỡng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Những đối tượng này chỉ cần làm Tờ khai đề nghị trợ cấp xã hội gửi cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Riêng đối với những đối tượng là người khuyết tật (bao gồm cả người cao tuổi khuyết tật) để được hưởng trợ cấp xã hội cần xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật. Theo quy định Luật Người khuyết tật và các văn bản hướng dẫn thì việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật xã, phường, thị trấn thực hiện.

Để được xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật, người khuyết tật làm đơn theo mẫu gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú, chỉ có những trường hợp Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật, người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không khách quan, chính xác thì mới gửi lên Hội đồng giám định y khoa thực hiện. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ghi nhận nội dung kiến nghị nêu trên của cử tri thành phố Hà Nội để tiếp tục xem xét, sửa đổi các quy định pháp luật liên quan trong thời gian tới.