BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỆ THỐNG THÔNG TIN BỘ VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

Doanh nghiệp có quyền chủ động xây dựng thang lương, bảng lương của doanh nghiệp mình

07/09/2021

Anh Kiên (Bình Phước) là một nhân viên tại bộ phận nhân sự. Anh được giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng thang bảng lương của công ty. Anh đã gửi câu hỏi tới Hệ thống thông tin Bộ với người dân và doanh nghiệp hỏi về quy định xây dựng thang lương, bảng lươg và mong muốn được hướng dẫn về bậc lương, thời gian nâng lương của người lao động.

Về vấn đề này, Vụ Pháp chế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

​- Điểm đ khoản 2 Điều 114 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của BLLĐ về tiền lương và Nghị định số 121/2018/NĐ-CP ngày 13/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2013/NĐ-CP hết hiệc lực thi hành kể từ ngày 01/02/2021 (ngày Nghị định 145/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành).

Do đó, các quy định về nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương tại Nghị định số 49/2013/NĐ-CP hết hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2021.

- Khoản 1 Điều 93 BLLĐ quy định: “NSDLĐ phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thoả thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động”.

Vì vậy, doanh nghiệp có quyền chủ động xây dựng thang lương, bảng lương của doanh nghiệp mình (chủ động về số bậc, khoảng cách giữa các bậc, thời gian được nâng bậc lương,…) nhưng phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; phải công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện (khoản 3 Điều 93 BLLĐ).