BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỆ THỐNG THÔNG TIN BỘ VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

Người sử dụng lao động có quyền sa thải lao động người lao động có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc

17/03/2022

Chị Bích (bichxxx@gmail.com) đã gửi câu hỏi tới Hệ thống thông tin Bộ với người dân và doanh nghiệp để hỏi về việc doanh nghiệp của chị có trường hợp người lao động nam có hành vi quấy rối, sàm sỡ lao động nữ. Chị hỏi rằng doanh nghiệp chị có được quyền sa thải người lao động này và người lao động này có bị xử phạt về hành vi quấy rối không?

Về vấn đề này, Hệ thống thông tin Bộ với người dân và doanh nghiệp đã tổng hợp các thông tin và trả lời chị như sau:

Điều 125 Bộ luật lao động 2019 có quy định hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong trường hợp sau đây:

1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc;

2. Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;

3. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật. Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 126 của Bộ luật này;

4. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.

Trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.

Theo quy định, người sử dụng lao động có quyền sa thải người lao động có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Về hình thức xử phạt, chị có thể tham khảo tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng chống bạo lực gia đình.  Khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc công cụ, đồ vật, phương tiện khác có khả năng sát thương;

c) Quay phim, chụp ảnh, vẽ sơ đồ địa điểm cấm, khu vực cấm liên quan đến quốc phòng, an ninh;

d) Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

đ) Sàm sỡ, quấy rối tình dục;

e) Khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng;

g) Thực hiện thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ có chủng loại hoặc chất lượng không phù hợp với loại sản phẩm đã đăng ký theo giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp;

h) Sử dụng tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ phóng, bắn, thả từ trên không các loại vật, chất gây hại hoặc chứa đựng nguy cơ gây hại khi không được phép.

Đồng thời, tại điểm c, khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định hình phạt bổ sung, buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3, các điểm d và đ khoản 5 Điều này trừ trường hợp nạn nhân có đơn không yêu cầu.