Ngành dịch vụ nào người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp không thuộc diện cấp giấy phép lao động?
06/06/2022Anh Cường (Nghệ An) đã gửi câu hỏi tới Hệ thống thông tin Bộ với người dân và doanh nghiệp để hỏi về trường hợp người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ thuộc trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động (khoản 3 Điều 7 của Nghị định 152/2020/NĐ-CP) được xác định như thế nào? Trường hợp văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã hết hạn mà người lao động nước ngoài có nhu cầu tiếp tục làm việc thì thực hiện như thế nào?
Về vấn đề này, Hệ thống thông tin Bộ với người dân và doanh nghiệp đã tổng hợp các thông tin và trả lời anh như sau:
* Theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP thì người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động khi di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới, bao gồm:
1. Kinh doanh;
2. Thông tin
3. Xây dựng
4. Phân phối
5. Giáo dục
6. Môi trường
7. Tài chính
8. Y tế
9. Du lịch
10. Văn hóa giải trí
11. Vận tải
Danh mục cụ thể của 11 phân ngành dịch vụ được quy định trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam và văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương.
* Đối với văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã hết thời hạn làm việc mà người lao động nước ngoài có nhu cầu tiếp tục làm việc với hình thức quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP thì làm hồ sơ đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP, bao gồm:
a) Văn bản đề nghị xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo Mẫu số 09/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định này;
c) Văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài trừ những trường hợp không phải xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài;
d) Bản sao có chứng thực hộ chiếu còn giá trị theo quy định của pháp luật;
đ) Các giấy tờ để chứng minh người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động;
e) Các giấy tờ quy định tại điểm b, c và đ khoản này là 01 bản gốc hoặc bản sao có chứng thực, nếu của nước ngoài thì phải hợp pháp hóa lãnh sự, dịch ra tiếng Việt và có chứng thực trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài liên quan đều là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại hoặc theo quy định của pháp luật.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo Mẫu số 10/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp không xác nhận thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.