BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỆ THỐNG THÔNG TIN BỘ VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

Thời hạn cho thuê lại lao động đối với người lao động tối đa là 12 tháng

23/11/2022

Doanh nghiệp của anh T (TP. Hồ Chí Minh) đang có một dự án lớn ký kết với doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, doanh nghiệp của anh lại thiếu nhân lực để triển khai dự án này. Vì vậy, anh có ý định thuê lao động từ một doanh nghiệp khác với thời hạn 18 tháng. Anh đã gửi câu hỏi tới Hệ thống thông tin Bộ với người dân và doanh nghiệp để hỏi về việc anh có được quyền thuê lại lao động với thời hạn như vậy không?


Về vấn đề này, Hệ thống thông tin Bộ với người dân và doanh nghiệp đã tổng hợp các thông tin và trả lời
Anh như sau:

* Điều 52 Bộ luật lao động 2019 quy định cho thuê lại lao động như sau:

  1. Cho thuê lại lao động là việc người lao động giao kết hợp đồng lao động với một người sử dụng lao động là doanh nghiệp cho thuê lại lao động, sau đó người lao động được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với người sử dụng lao động đã giao kết hợp đồng lao động.
  2. Hoạt động cho thuê lại lao động là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ được thực hiện bởi các doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động và áp dụng đối với một số công việc nhất định.

Khoản 1 Điều 53 Bộ luật lao động 2019 nguyên tắc hoạt động cho thuê lại lao động như sau:

  1. Thời hạn cho thuê lại lao động đối với người lao động tối đa là 12 tháng.

Như vậy, theo quy định trên thì doanh nghiệp của anh được thuê lại lao động từ doanh nghiệp cho thuê lại lao động và thời hạn thuê cho thuê lại không quá 12 tháng.

* Những trường hợp bên thuê lại lao động được và không được sử dụng lao động thuê lại

Khoản 2 và Khoản 3 Điều 53 Bộ luật lao động 2019 quy định nguyên tắc hoạt động cho thuê lại lao động như sau:

  1. Bên thuê lại lao động được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau đây:
    a) Đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhu cầu sử dụng lao động trong khoảng thời gian nhất định;
    b) Thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân;
    c) Có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.
  2. Bên thuê lại lao động không được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau đây:
    a) Để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động;
    b) Không có thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động;
    c) Thay thế người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ, vì lý do kinh tế hoặc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập.

* Có được xử lý kỷ luật người lao động do mình thuê lại không?

Điều 57 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về quyền và nghĩa vụ của bên thuê lại lao động như sau:

  1. Thông báo, hướng dẫn cho người lao động thuê lại biết nội quy lao động và các quy chế khác của mình.
  2. Không được phân biệt đối xử về điều kiện lao động đối với người lao động thuê lại so với người lao động của mình.
  3. Thỏa thuận với người lao động thuê lại về làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ theo quy định của Bộ luật này.
  4. Thỏa thuận với người lao động thuê lại và doanh nghiệp cho thuê lại lao động để tuyển dụng chính thức người lao động thuê lại làm việc cho mình trong trường hợp hợp đồng lao động của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động chưa chấm dứt.
  5. Trả lại người lao động thuê lại không đáp ứng yêu cầu như đã thỏa thuận hoặc vi phạm kỷ luật lao động cho doanh nghiệp cho thuê lại lao động.
  6. Cung cấp cho doanh nghiệp cho thuê lại lao động chứng cứ về hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động thuê lại để xem xét xử lý kỷ luật lao động.

Như vậy, theo quy định như trên, doanh nghiệp thuê lại không được quyền xử lý kỷ luật người lao động mà doanh nghiệp thuê lại. Doanh nghiệp thuê lại có thể cung cấp chứng cứ người lao động vi phạm kỷ luật để doanh nghiệp cho thuê lại lao động xử lý kỷ luật.

* Người lao động được thuê lại có quyền và nghĩa vụ như thế nào?

Điều 58 Bộ luật Lao động 2019 quyền và nghĩa vụ của người lao động thuê lại như sau:

  1. Thực hiện công việc theo hợp đồng lao động đã ký với doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động;
  2. Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát hợp pháp của bên thuê lại lao động;
  3. Được trả lương không thấp hơn tiền lương của người lao động của bên thuê lại lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau;
  4. Khiếu nại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động trong trường hợp bị bên thuê lại lao động vi phạm các thỏa thuận trong hợp đồng cho thuê lại lao động;
  5. Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động để giao kết hợp đồng lao động với bên thuê lại lao động.

* Có được thuê lại lao động rồi cho doanh nghiệp khác thuê lại?

Điều 53 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về nguyên tắc hoạt động cho thuê lại lao động như sau:

  1. Thời hạn cho thuê lại lao động đối với người lao động tối đa là 12 tháng.
  2. Bên thuê lại lao động được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau đây:
    a) Đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhu cầu sử dụng lao động trong khoảng thời gian nhất định;
    b) Thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân;
    c) Có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.
  3. Bên thuê lại lao động không được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau đây:
    a) Để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động;
    b) Không có thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động;
    c) Thay thế người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ, vì lý do kinh tế hoặc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập.
  4. Bên thuê lại lao động không được chuyển người lao động thuê lại cho người sử dụng lao động khác; không được sử dụng người lao động thuê lại được cung cấp bởi doanh nghiệp không có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.

Như vậy, theo quy định như trên, doanh nghiệp thuê lại không được cho doanh nghiệp khác thuê lại lao động mà doanh nghiệp mình thuê dư.

* Cho doanh nghiệp khác thuê lại lao động do mình thuê lại bị phạt như thế nào?

Khoản 2 Điều 13 Nghị định 12/2022/NĐ-CP có quy định phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với bên thuê lại lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng lao động thuê lại để làm những công việc không thuộc danh mục các công việc được thực hiện cho thuê lại lao động;
b) Sử dụng người lao động thuê lại được cung cấp bởi doanh nghiệp không có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động hoặc Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động hết hiệu lực;
c) Sử dụng lao động thuê lại để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động;
d) Sử dụng lao động thuê lại để thay thế người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ; vì lý do kinh tế hoặc chia; tách; hợp nhất; sáp nhập;
đ) Chuyển người lao động thuê lại cho người sử dụng lao động khác;
e) Sử dụng lao động thuê lại nhưng không có thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động;
g) Sử dụng lao động thuê lại không thuộc một trong các trường hợp sau: đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhu cầu sử dụng lao động trong khoảng thời gian nhất định; thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân; có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.