Những trường hợp người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp
12/03/2023Anh Phong (Thái Nguyên) đã nghỉ việc tại công ty và làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy điên, đến thời điểm được hẹn trả kết quả thì anh có việc riêng ở nước ngoài. Anh đã gửi câu hỏi tới Hệ thống thông tin Bộ với người dân và doanh nghiệp hỏi về việc trường hợp của anh có được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp không?
Về vấn đề này, Hệ thống thông tin Bộ với người dân và doanh nghiệp đã tổng hợp các thông tin và trả lời Anh như sau:
Điều 9, Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH quy định về việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp như sau:
2. Các trường hợp người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu, bao gồm:
a) Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động không đến nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP.
Sau khi có quyết định của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội về việc hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện trả hồ sơ cho người lao động. Trường hợp sau 03 tháng kể từ ngày hết thời hạn trả kết quả mà người lao động không đến trung tâm dịch vụ việc làm nhận lại sổ bảo hiểm xã hội thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày cuối cùng của 03 tháng nêu trên, trung tâm dịch vụ việc làm chuyển sổ bảo hiểm xã hội của người lao động đó đến Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh để quản lý.
Ví dụ 5: Ông Trần Văn Đ có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 36 tháng, được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 03 tháng. Ngày trả kết quả ghi trong phiếu hẹn trả kết quả của ông Đ là ngày 16/3/2015. Tuy nhiên đến hết ngày 18/3/2015 (tức là sau 02 ngày làm việc) ông Đ không đến nhận quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định. Do vậy, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày ông Đ không đến nhận quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định, trung tâm dịch vụ việc làm trình Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định về việc hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông Đ. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của ông Đ được bảo lưu là 36 tháng.
b) Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp được thực hiện theo quy định tại Khoản 6 Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP.Tổ chức bảo hiểm xã hội căn cứ quyết định về việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động thực hiện bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp vào sổ bảo hiểm xã hội theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Ví dụ 6: Ông Trần Văn S có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 36 tháng, được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 03 tháng. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông S tính từ ngày 20/02/2015 đến ngày 19/5/2015. Tuy nhiên, đến ngày 19/8/2015 (tức là sau 03 tháng kể từ ngày hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp) ông S vẫn không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ ba. Như vậy, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp mà ông S được bảo lưu là 12 tháng (tương ứng với 01 tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp mà ông S không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp).
Ví dụ 7: Bà Lê Thị T có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 12 tháng, được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 03 tháng. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của bà T tính từ ngày 06/7/2015 đến ngày 05/10/2015. Tuy nhiên, đến hết ngày 05/01/2016 (tức là sau 03 tháng kể từ ngày hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp) bà T vẫn không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ hai và thứ ba. Như vậy, bà T đã nhận trợ cấp thất nghiệp 01 tháng (tương ứng với 12 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp) nên thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của bà T không còn để bảo lưu.
Ví dụ 8: Bà Bùi Xuân H có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 29 tháng, bà được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 03 tháng. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của bà tính từ ngày 09/3/2015 đến ngày 08/6/2015. Bà H đã nhận trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên và bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng thứ hai. Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ ba bà đến trung tâm dịch vụ việc làm để thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định nên bà được tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng thứ ba. Tuy nhiên, đến hết ngày 08/9/2015 (tức là sau 03 tháng kể từ ngày hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp), bà H vẫn không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ ba. Như vậy, bà H đã hưởng trợ cấp thất nghiệp 01 tháng (tương ứng với 12 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp) và bị tạm dừng 01 tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp (tương ứng với 12 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp) nên thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu của bà H là 05 tháng.
c) Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động có những tháng lẻ chưa giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp được thực hiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP.Tổ chức bảo hiểm xã hội căn cứ quyết định của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp vào sổ bảo hiểm xã hội theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Ví dụ 9: Ngày 24/3/2015, ông Trần Quang P chấm dứt hợp đồng lao động. Ông P có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 47 tháng, được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 03 tháng (tương ứng với 36 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp). Do đó, thời gian ông P được bảo lưu là 11 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Sau khi hết thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, ông P giao kết hợp đồng lao động có thời hạn 03 tháng với doanh nghiệp F (từ ngày 05/9/2015 đến ngày 04/12/2015) và tiếp tục tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Hết hạn hợp đồng lao động với doanh nghiệp F, ông P nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp lần hai. Như vậy, tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp mà chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông P là 14 tháng. Nếu đáp ứng đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì ông P được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian 03 tháng.
Ví dụ 10: Ông Đỗ Văn G có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 35 tháng, ông được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 03 tháng và không được bảo lưu tháng lẻ có đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Khoản 7 Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP.
d) Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trong các trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp được thực hiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP.Tổ chức bảo hiểm xã hội căn cứ quyết định về việc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động thực hiện việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp vào sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Ví dụ 11: Ông Nguyễn Văn V có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 38 tháng, ông được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 03 tháng và được bảo lưu 02 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều này. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông V tính từ ngày 02/3/2015 đến ngày 01/6/2015 (tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ nhất từ ngày 02/3/2015 đến ngày 01/4/2015; tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ hai từ ngày 02/4/2015 đến ngày 01/5/2015; tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ ba từ ngày 02/5/2015 đến ngày 01/6/2015). Tuy nhiên, ngày 25/4/2015 ông V thực hiện nghĩa vụ quân sự nên bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp do đó không được nhận 01 tháng trợ cấp thất nghiệp cuối cùng mà được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 12 tháng. Như vậy, tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu của ông V là 12 tháng + 2 tháng = 14 tháng.
Ví dụ 12: Ông Nguyễn Văn L có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 36 tháng, ông được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 03 tháng. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông L tính từ ngày 10/3/2015 đến ngày 09/6/2015. Ngày 12/5/2015, ông L thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm về việc đã tìm được việc làm để trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện thủ tục chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, thực tế ngày 08/4/2015 ông đã thực hiện giao kết hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng với doanh nghiệp P, hợp đồng có hiệu lực kể từ ngày ký. Như vậy, ngày chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông L là ngày 08/4/2015.
Ví dụ 13: Ông Đỗ Văn X có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 13 tháng, ông được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 03 tháng. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông X tính từ ngày 03/3/2015 đến ngày 02/6/2015. Tuy nhiên, ngày 25/3/2015 ông X có việc làm, như vậy ông X đã được hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên (từ 03/3/2015 đến ngày 02/4/2015) tương ứng với 12 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp nên thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của ông X được bảo lưu là 01 tháng.
3. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động được bảo lưu theo quy định tại Khoản 5, Khoản 6, Khoản 7 Điều 18 và Khoản 5 Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP là khoảng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tính từ tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cuối cùng trước khi hưởng trợ cấp thất nghiệp.4. Người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định có trách nhiệm thực hiện thủ tục bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.