BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỆ THỐNG THÔNG TIN BỘ VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

Hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động

01/07/2023

Anh Nghĩa (Bạc Liêu) có kì hợp đồng lao động với một công ty. Tuy nhiên, bộ phận nhân sự có yêu cầu anh phải nộp bản chính giấy giờ để công ty giữ coi như đảm bảo về trách nhiệm của anh khi làm việc. Anh đã gửi câu hỏi tới Hệ thống thông tin Bộ với người dân và doanh nghiệp hỏi về việc người sử dụng lao động có được quyền giữ giấy tờ của người lao động hay không?


Về vấn đề này, Hệ thống thông tin Bộ với người dân và doanh nghiệp đã tổng hợp các thông tin và trả lời Anh như sau:

Điều 17 Bộ luật Lao động 2019 quy định về hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động cụ thể như sau:

Hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động

  1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
  2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
  3. Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.

Theo đó, doanh nghiệp không được phép giữ bản chính giấy tờ tùy thân của người lao động thử việc theo quy định của pháp luật.

***Việc xử lý trường hợp người sử dụng lao động vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động được quy định tại Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:

  1. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người lao động làm công việc có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên; giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người được ủy quyền giao kết hợp đồng cho nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên làm công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật Lao động; giao kết không đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:
    a) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
    b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
    c) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
    d) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
    đ) Từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
  1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
    a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng hoặc chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động;
    b) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động;
    c) Giao kết hợp đồng lao động với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó.

...

Như vậy, theo quy định trên thì doanh nghiệp giữ bản chính giấy tờ tùy thân của người lao động thử việc sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đến 25.000.000 đồng tùy vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Đồng thời, người sử dụng lao động trả lại bản chính giấy tờ tùy thân cho người lao động thử việc (theo điểm d khoản 3 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định này là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân (theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).