BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỆ THỐNG THÔNG TIN BỘ VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

Giải pháp, định hướng góp phần giải quyết những bất cập, hạn chế trong việc tuyển dụng lao động có tay nghề, qua đào tạo

12/08/2024

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Long An về việc giải pháp, định hướng lâu dài để góp phần giải quyết những bất cập, hạn chế trong việc tuyển dụng lao động có tay nghề, qua đào tạo.


Theo cử tri tỉnh Long Anh, việc tuyển dụng lao động hiện nay gặp nhiều khó khăn, nhất là lao động có tay nghề, qua đào tạo. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự việc nêu trên là việc giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh vẫn còn một số bất cập, hạn chế nhất định như: chất lượng đào tạo nghề tại một số trường còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và việc đào tạo liên thông các trường để lao động có tay nghề dễ dàng học tập nâng cao trình độ còn hạn chế, dẫn đến học sinh không thích vào học các trường nghề.

Cử tri kiến nghị có giải pháp, định hướng lâu dài để góp phần giải quyết những bất cập, hạn chế nêu trên

Về nội dung trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời như sau: 

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, nhất là lao động có chuyên môn kỹ thuật đã qua đào tạo nghề các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN), nguyên nhân chủ yếu do nguồn “cung” lao động qua đào tạo chưa đáp ứng đủ so với “cầu” của thị trường lao động: 

(1) Số lượng đầu vào GDNN hạn chế: số lượng người học trình độ trung cấp, cao đẳng trong GDNN hàng năm từ 400.000 - 500.000 người so với gần 1 triệu học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và khoảng 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở hàng năm; số còn lại vào học đại học (đối với học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông) hoặc tham gia ngay vào thị trường lao động mà không qua đào tạo và vào học THPT (đối với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở). 

(2) Năm 2024, các doanh nghiệp trên cả nước có nhu cầu tuyển dụng khoảng 1,9 triệu lao động, trong đó 44% lao động không qua đào tạo, 19% lao động có trình độ đại học trở lên và khoảng 37% lao động có trình độ trung cấp, cao đẳng (tương đương khoảng 700.000 người) so với nguồn cung lao động ở trình độ này của GDNN thì còn thiếu khoảng 200.000 - 300.000 người. 

(3) Doanh nghiệp sẵn sàng tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo với nhiều chính sách đãi ngộ tốt làm cho nguồn tuyển sinh các trình độ trong GDNN bị hạn chế, việc liên thông giữa các trình độ đào tạo hiện nay khá thuận lợi dẫn đến số người học tốt nghiệp ra trường tham gia ngay vào thị trường lao động giảm. 

Công tác phân luồng, định hướng người học vào GDNN không chỉ là trách nhiệm của hệ thống GDNN mà còn là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành, các địa phương và cả hệ thống chính trị, xã hội, nhằm góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của người học đối với việc học nghề và lập nghiệp. Với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực GDNN, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã quyết liệt chỉ đạo hệ thống GDNN, các cơ sở GDNN tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh người học vào GDNN. Đồng thời, tăng cường phối hợp với hệ thống giáo dục đào tạo và các cơ sở giáo dục phổ thông làm tốt công tác phân luồng, định hướng người học vào GDNN nhằm tăng số lượng đầu vào, cải thiện số lượng và chất lượng đầu ra, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.