Chủ hộ kinh doanh phải tham gia BHXH tự nguyện
18/11/2024Chị Lan là chủ cửa hàng thời trang. Chị cảm thấy thiệt thòi vì nhân viên được tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, còn bản thân là chủ hộ kinh doanh lại phải tham gia BHXH tự nguyện.
Sau khi thành lập hộ kinh doanh, chị Lan được nhân viên BHXH tư vấn là phải đóng BHXH bắt buộc cho lao động có giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, bản thân chị là chủ hộ kinh doanh nên không được tham gia BHXH bắt buộc và hưởng các chế độ bảo hiểm như nhân viên của mình.
Chị Lan thắc mắc: "Tôi không được hưởng ốm đau, tai nạn lao động, bảo hiểm thất nghiệp, thai sản… mà chỉ có thể mua bảo hiểm tự nguyện, được hưởng hưu trí, tử tuất và bảo hiểm y tế hộ gia đình. Như vậy, có phải cơ chế bảo hiểm hiện nay làm cho chủ hộ kinh doanh thiệt thòi không?".
Theo BHXH Việt Nam, Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH năm 2014 quy định, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên tại các hộ kinh doanh cá thể thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Tuy nhiên, Luật BHXH năm 2014 không quy định chủ hộ kinh doanh cá thể tham gia BHXH bắt buộc. Chủ hộ kinh doanh cá thể có thể tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm chế độ hưu trí và tử tuất) và tham gia BHYT hộ gia đình theo quy định của pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế.
Để tạo điều kiện cho chủ hộ kinh doanh tham gia BHXH bắt buộc, nội dung này đã được sửa đổi trong Luật BHXH năm 2024, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025
Theo Mục m Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH năm 2024, chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ là một trong các nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Theo Điều 4 Luật BHXH năm 2024, người tham gia BHXH bắt buộc được hưởng 5 chế độ là: Ốm đau; Thai sản; Hưu trí; Tử tuất; Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.