Thủ tục để xác nhận thương binh
23/12/2019Ông Trần Minh - Huyện CưMgar, tỉnh Đắk Lắk hỏi về quá trình tham gia nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia từ năm 1980 đến năm 1984, bị 1 vết thương ở đỉnh đầu, vết thương cột sống, vết thương dưới bàn chân trái, chấn thương xương cụt. Giấy chứng nhận bị thương còn lưu giữ nhưng chưa đi giám định. Nay, ông Minh muốn đi giám định tỷ lệ thương tật, các giấy tờ ông trực tiếp nộp từ xã lên huyện, khi lên tỉnh thì ông được hướng dẫn phải làm các giấy tờ theo Thông tư số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP. Ông Minh hỏi, ông có phải nộp bản chính các giấy tờ tại tỉnh gồm bản khai cá nhân, hồ sơ chứng nhận bị thương từ quân khu không?
Vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xin được trả lời như sau:
Theo quy định hiện hành, việc xem xét, xác nhận thương binh áp dụng tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ; Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 của liên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng.
Điều 7 Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng quy định về thủ tục xác nhận thương binh đối với người bị thương thuộc lực lượng quân đội đã phục viên, xuất ngũ.
Việc xem xét, xác nhận thương binh theo quy định Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 cần giấy tờ, tài liệu chứng minh bị thương hoặc vết thương thực thể trong chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu. Theo quy định trên, việc xét duyệt hồ sơ xem xét, xác nhận thương binh đối với người bị thương thuộc lực lượng quân đội đã phục viên, xuất ngũ thuộc thẩm quyền của cơ quan quân đội các cấp. Đề nghị ông gửi đơn tới Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk hoặc Cục Chính sách, Tổng cục chính trị để được giải quyết theo thẩm quyền.