BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỆ THỐNG THÔNG TIN BỘ VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

Điều kiện xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học

03/02/2021

Anh Sơn – Nam Định có bố tham gia kháng chiến chống Mỹ từ năm 1966 đến năm 1975 sau đó về theo chế độ phục viên. Bố anh đã làm hồ sơ xin hưởng trợ cấp chất độc da cam. Anh mong muốn được hiểu rõ hơn về quy định xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Vấn đề này,  Cục Người có công, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Theo quy định tại Điều 39 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ thì điều kiện xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là:

1. Đã công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ ngày 01 tháng 8 năm 1961 đến 30 tháng 4 năm 1975 tại các vùng mà quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hóa học ở chiến trường B, C, K (kể cả 10 xã: Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Tân, Vĩnh Thành, Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn và Vĩnh Thủy thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).

 

2. Do nhiễm chất độc hóa học dẫn đến một trong các trường hợp bệnh tật sau:

a) Mắc bệnh theo danh mục bệnh tật do Bộ Y tế quy định làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên;

b) Vô sinh;

c) Sinh con dị dạng, dị tật theo danh mục dị dạng, dị tật do Bộ Y tế quy định.

Điều 7 Thông tư số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 30/6/2016 của liên Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định Danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học. Theo đó, bệnh đái tháo đường type 2 là bệnh thuộc Danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học.

Tuy nhiên, cần phải có Giấy tờ chứng minh thời gian và địa bàn tham gia hoạt động kháng chiến tại vùng quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học (quy định tại Khoản 2 Điều 27 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 và Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30/7/2014 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), gồm một trong những giấy tờ sau đây:

- Quyết định phục viên, xuất ngũ; giấy X Y Z; giấy chuyển thương, chuyển viện, giấy điều trị; giấy tờ khác chứng minh có tham gia hoạt động kháng chiến tại vùng mà quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học được xác lập từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước;

- Bản sao: Lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên, lý lịch quân nhân, Huân chương, Huy chương chiến sĩ giải phóng, lý lịch công an nhân dân; hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội; hồ sơ khen thưởng tổng kết thành tích tham gia kháng chiến; hồ sơ, giấy tờ khác có giá trị pháp lý được lập trước ngày 01 tháng 01 năm 2000;

- Giấy xác nhận của cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng về phiên hiệu, ký hiệu, thời gian và địa bàn hoạt động của đơn vị.

Theo quy định về phân cấp thẩm quyền thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và ra quyết định hưởng trợ cấp. Đề nghị anh đối chiếu các quy định nêu trên và liên hệ với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định để được xem xét, trả lời cụ thể theo thẩm quyền.