Chính sách về người có công và người khuyết tật
06/06/2019Hiệp hội Thương binh và Người khuyết tật kiến nghị như sau:
1. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, trình Quốc hội cho phép bổ sung đối tượng thương binh và người hưởng chế độ như thương binh vào Luật Người khuyết tật năm 2012 hoặc các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này trên cơ sở kế thừa Điều 2 của Pháp lệnh người tàn tật năm 1998:
“Người tàn tật là thương binh, bệnh binh được quy định tại Điều 12 và Điều 13 của Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng được Nhà nước và xã hội tôn vinh, ngoài việc được hưởng chế độ ưu đãi riêng của Nhà nước theo pháp luật, còn được hưởng những quyền lợi trong Luật Người khuyết tật 2010 mà chế độ ưu đãi riêng chưa quy định”.
2. Miễn tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh cho các cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng từ 51% lao động là người khuyết tật trở lên. Đồng thời điều chỉnh quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 9 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP: “Miễn tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 70% lao động là người khuyết tật trở lên. Giảm 50% tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% đến dưới 70% lao động là người khuyết tật” bằng quy định: “Miễn tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng từ 51% lao động là người khuyết tật trở lên". Quy định như vậy sẽ phù hợp hơn với thực tế, giữ được sự ổn định để phát triển, đáp ứng nguyện vọng của người khuyết tật và các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật hiện nay”.
3. Vì người khuyết tật bao hàm cả thương binh, bệnh binh cho nên thực tế đã hình thành các mô hình: doanh nghiệp chỉ sử dụng lao động là người khuyết tật, doanh nghiệp sử dụng cả lao động là thương binh và người khuyết tật. Lại có doanh nghiệp chỉ sử dụng lao động là thương binh. Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, bổ sung công nhận các mô hình doanh nghiệp có tính đặc thù, đó là: “Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% lao động là thương binh và người khuyết tật trở lên” và “Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% lao động là thương binh trở lên”. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất với Chính phủ cơ chế hỗ trợ đặc thù cho loại hình “Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% lao động là thương binh trở lên”.
Vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời doanh nghiệp như sau:
1. Theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng thì thương binh, người hưởng chính sách như thương binh được hưởng các chế độ ưu đãi bao gồm: Trợ cấp hàng tháng, phụ cấp hàng tháng căn cứ vào mức độ suy giảm khả năng lao động và loại thương binh, bảo hiểm y tế; cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình căn cứ vào thương tật của từng người và khả năng của Nhà nước; điều dưỡng phục hồi sức khỏe hai năm một lần; trường hợp thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hàng năm; được hưởng chế độ ưu tiên, hỗ trợ học tập, ưu tiên trong tuyên sinh, tạo việc làm; ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển, vay vốn ưu đãi để sản xuất, được miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ về nhà ở. Điều 51 Luật Người khuyết tật quy định “Người khuyết tật đang hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng thì không hưởng chính sách quy định tại khoản 1 Điều 44 của Luật này nhưng được hưởng chính sách quy định tại Luật này nếu pháp luật về người có công với cách mạng hoặc pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa quy định”.
Như vậy, người khuyết tật là thương binh, người đang hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng và phụ cấp ưu đãi người có công hàng tháng thì không được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng nhưng vẫn được hưởng các chính sách theo quy định của Luật Người khuyết tật nếu pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng chưa quy định. Các quy định trên tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với các mạng, Luật Người khuyết tật đã đảm bảo quyền lợi của đối tượng và tính hệ thống. Tuy nhiên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật Người khuyết tật cho phù hợp.
2. Tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật Người khuyết tật.
3. Hồ sơ, thủ tục và trình tự công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật thực hiện theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 18/2018/TT-BLĐTBXH ngày 30/10/2018 Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư liên quan đến thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong đó, lao động là người khuyết tật phải có bản sao Giấy xác nhận khuyết tật do cơ quan có thẩm quyền cấp. Do vậy, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật trong đó có thương binh được công nhận là cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% lao động trở lên là người khuyết tật và được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.