BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỆ THỐNG THÔNG TIN BỘ VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

Tiếp tục thực hiện truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng về bảo vệ trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em

10/05/2020

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bến Tre nội dung như sau:

Ngày 05/4/2016, Quốc hội đã thông qua Luật Trẻ em và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2017, thay thế Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em số 25/2004/QH11. Theo đó, Luật Trẻ em năm 2016 đã cụ thể hóa các quyền của trẻ em theo Hiến pháp năm 2013 và Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em để phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước, quy định trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức; các cấp độ bảo vệ trẻ em; trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em; cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; chăm sóc thay thế; các biện pháp bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng,...

Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em, ngày 23/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1863/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025, thực hiện các giải pháp, hoạt động mang tính đột phá nhằm nâng cao nhận thức của gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội, các cấp, các ngành về trách nhiệm bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh với trẻ em, cung cấp kịp thời các dịch vụ bảo vệ trẻ em trong trường hợp trẻ em cần sự bảo vệ khẩn cấp, bao gồm cả dịch vụ trợ giúp xã hội, y tế, giáo dục và tư pháp đối với trẻ em là nạn nhân của hành vi bạo lực, xâm hại tình dục.

Đồng thời Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan chức năng trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện: (i) truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng về bảo vệ trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; (ii) phòng ngừa bạo lực học đường; hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục trong các cơ sở giáo dục; (iii) cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao năng lực của cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; (iv) thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục và chính quyền các cấp cho chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức, xã hội, cha mẹ và trẻ em khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng xâm hại trẻ em.