Đề nghị nghiên cứu quy định rõ hơn về cơ chế, có biện pháp cụ thể việc bảo vệ trẻ em
16/12/2024
Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
1. Về kiến nghị quy định rõ và có biện pháp cụ thể việc bảo vệ trẻ em
Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định các biện pháp bảo vệ trẻ em theo 3 cấp độ: phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp, quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và các cá nhân trong việc bảo vệ trẻ em. Đồng thời, Luật Trẻ em, các văn bản hướng dẫn pháp luật về trẻ em và pháp luật chuyên ngành đã quy định đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành, tổ chức liên quan trong việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, trong đó có bảo vệ trẻ em.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về trẻ em; điều phối việc thực hiện quyền trẻ em; bảo đảm thực hiện quyền trẻ em được Chính phủ giao hoặc ủy quyền[1]. Quản lý nhà nước về trẻ em cũng bao gồm trách nhiệm của nhiều bộ, ngành, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các cấp. Luật Trẻ em quy định trách nhiệm của các bộ như: Bộ Công an; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Tư pháp; Bộ Thông tin và Truyền thông, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội, các tổ chức kinh tế, tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em. Vì vậy, công tác bảo vệ trẻ em là công tác phối hợp liên ngành, cần sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, tổ chức và chính quyền địa phương.
Qua triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em, công tác quản lý nhà nước về trẻ em vẫn còn một số khoảng trống chưa quy định trách nhiệm chủ trì quản lý cho các cơ quan như: trẻ em là con của phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài; vấn đề tảo hôn; trông, giữ và chăm sóc trẻ em ngoài gia đình, nhà trường sau giờ học; trẻ em bị rối loạn phổ tự kỷ. Nhằm tăng cường trách nhiệm, phối hợp trong chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của các bộ, ngành, đơn vị liên quan đối với công tác bảo vệ trẻ em và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong công tác bảo vệ trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành và tổ chức liên quan xây dựng và ban hành các quy chế phối hợp liên ngành: (i) Quy chế số 2236/QCPH-LĐTBXH-GDĐT-YT-CA ngày 16/6/2023 về phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; (ii) Quy chế số 05/QC-BCA-BLĐTBXH-BTTTT ngày 15/8/2022 về việc phối hợp trong tiếp nhận, điều tra, xử lý đối với các hành vi xâm hại trẻ em và theo dõi dữ liệu liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng; (iii) Quy chế số 01/QCPH-LĐTBXH-GDĐT-CA-NNPTNN-TLĐ-LMHTX-LĐTMCN ngày 25/01/2024 về phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030; (iv) Quy chế số 1853/QCPH-BVHTTDL-BLĐTBXH ngày 03/5/2024 về thực hiện công tác gia đình và công tác trẻ em.
Trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách liên quan đến bảo vệ trẻ em, đặc biệt về cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em kịp thời và đồng bộ; triển khai hiệu quả các quy chế, kế hoạch phối hợp liên ngành về bảo vệ trẻ em.
2. Về kiến nghị khôi phục Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam
Thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị (Quyết định số 1183/QĐ-TTg ngày 14/10/2024), trong đó có nhiệm vụ, giải pháp “kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về trẻ em”. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ thực hiện trách nhiệm Chính phủ giao, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả[2].
[1] Khoản 1 Điều 82 Luật Trẻ em.
[2] Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Hướng dẫn số 136-HD/BTGTW ngày 15/01/2024 của Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.