BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỆ THỐNG THÔNG TIN BỘ VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

Năm 2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ hướng dẫn địa phương củng cố hệ thống bảo vệ trẻ em trên cơ sở kiện toàn Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành, Tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em các cấp và thiết lập Nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã

09/05/2020

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bến Tre nội dung như sau:

"Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường phối hợp cùng với các bộ, ngành liên quan biên soạn, ban hành hướng dẫn về công tác phối hợp liên ngành triển khai công tác giáo dục, bảo vệ, chăm sóc, các giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em; quy trình phát hiện, xác minh, hỗ trợ và xử lý các vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em. Phối hợp xây dựng và thực hiện kế hoạch liên ngành, liên cấp phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em".

"Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cần thiết cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các cấp. Chỉ đạo tổng kết, đánh giá việc xây dựng và triển khai các mô hình, câu lạc bộ chăm sóc bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em trong ngành để tiến hành nhân rộng nhằm nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em". 

Vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

1. Về công tác phối hợp liên ngành và thực hiện trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em

Theo Quyết định số 856/QĐ-TTg ngày 15/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với vai trò là Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban đã tham mưu các nội dung phối hợp liên ngành, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giải quyết những vấn đề về trẻ em, trong đó có phòng, chống xâm hại trẻ em. Trong năm 2019,  Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký kết Chương trình, Kế hoạch phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và dự kiến kế hoạch phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Công tác phối hợp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về trẻ em, đặc biệt trong việc phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em cũng được triển khai đồng bộ. Năm 2019, Ủy ban Quốc gia về trẻ em tổ chức các đoàn kiểm tra tại 02 bộ, ngành và 06 tỉnh, thành phố . Triển khai thanh tra liên ngành: (i) Giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo tại một số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập tại 03 tỉnh, thành phố ; (ii) Giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tư pháp tại các cơ sở trợ giúp xã hội (có chức năng cho con nuôi người ngoài) tại 03 tỉnh, thành phố .

Chuẩn bị báo cáo và tham gia 03 đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em tại 17 tỉnh, thành phố ; Tham gia Đoàn giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì ; tham gia kiểm tra tình hình thực hiện việc đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật do Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an chủ trì .

Năm 2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ hướng dẫn địa phương củng cố hệ thống bảo vệ trẻ em trên cơ sở kiện toàn Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành, Tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em các cấp và thiết lập Nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã; cụ thể hóa cơ chế, quy trình phối hợp cấp bộ, ngành và cấp cục, vụ về một số nội dung, hoạt động lĩnh vực trẻ em; phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước và cơ quan tư pháp về phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp các vụ việc, vụ án bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em,...

2. Về nội dung đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, tổng kết, đánh giá các mô hình

Hằng năm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đều tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cần thiết cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các cấp. Xây dựng 02 bộ tài liệu tập huấn cho cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; triển khai đào tạo đội ngũ giảng viên nguồn; tập huấn về quy trình, can thiệp trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại cho các cán bộ làm công tác trẻ em cấp tỉnh, trên cơ sở đó các địa phương đã chủ động về tổ chức cho đội ngũ làm công tác trẻ em ở cấp cơ sở.

Các địa phương cũng chủ động tổ chức các khóa tập huấn ngắn ngày cho các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành công tác trẻ em cấp tỉnh, huyện và Ban Bảo vệ trẻ em cấp xã; tập huấn cho cán bộ, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội, giáo viên các trường học; tập huấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ và phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho trẻ em tại trường học và cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành. Tuy nhiên, việc tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ và cộng tác viên làm công tác trẻ em ở địa phương gặp một số khó khăn nhất định do nguồn lực ở cấp cơ sở còn hạn chế, chưa bố trí được đầy đủ kinh phí theo yêu cầu.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức đánh giá, tổng kết các Chương trình, đề án như: Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cộng đồng giai đoạn 2018- 2025; Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018- 2025;  Đề án Huy động nguồn lực hỗ trợ, chăm sóc và bảo vệ trẻ em nhất là trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2019-2025.

Chỉ đạo, hướng dẫn tổng kết mô hình cung cấp, kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp pháp lý và các dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; mô hình hỗ trợ, can thiệp để giảm thiểu lao động trẻ em và các mô hình về bảo vệ trẻ em.

Trên cơ sở đó lựa chọn những mô hình có hiệu quả để tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình về bảo vệ, chăm sóc trẻ em: Ngôi nhà an toàn, cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em; Hỗ trợ và tái hòa nhập trẻ em vi phạm pháp luật; Chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS; Các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em (Diễn đàn trẻ em, Hội đồng trẻ em, Câu lạc bộ quyền trẻ em, Chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện, Thăm dò ý kiến trẻ em).