BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỆ THỐNG THÔNG TIN BỘ VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

Hồ sơ để người lao động ngừng việc được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP

29/08/2021

Ông Trần Anh Tú (tỉnh Bắc Giang) hỏi: vì hoàn cảnh gia đình nên ông Tú không thể ở lại doanh nghiệp làm việc 3 tại chỗ, vì vậy ông và doanh nghiệp thoả thuận ngừng việc do liên quan đến dịch bệnh Covid19. Ông muốn hỏi về hồ sơ cần chuẩn bị những gì để có thể hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP?

Về vấn đề này, HTTT Bộ với người dân và doanh nghiệp tổng hợp thông tin như sau:

Từ Điều 17 đến điều Điều 20, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/21 đã quy định về chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc.

1. Đối tượng, điều kiện hỗ trợ

Người lao động được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:

- Làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021.

- Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng trước liền kề tháng người lao động ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động.

2. Mức hỗ trợ và phương thức chi trả

- Mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng/người.

- Người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 06 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 01 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em.

- Phương thức chi trả: Trả 01 lần cho người lao động.

3. Hồ sơ đề nghị

- Bản sao văn bản yêu cầu cách ly của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021.

- Danh sách người lao động có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội theo Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.

- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu một trong các giấy tờ sau: Giấy tờ chứng minh người lao động đang mang thai; Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng sinh của trẻ em; Giấy chứng nhận nuôi con nuôi; Quyết định giao, nhận chăm sóc thay thế trẻ em của cơ quan có thẩm quyền đối với đối tượng được quy định tại khoản 2 Điều 18 Quyết định này.

4. Trình tự, thủ tục thực hiện

- Người sử dụng lao động đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội. Trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận việc tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.

- Người sử dụng lao động gửi hồ sơ theo quy định tại Điều 19 Quyết định này đến Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đặt trụ sở chính. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31 tháng 01 năm 2022.

- Trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

- Trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Danh sách và kinh phí hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ. Trường hợp không phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

- Trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kinh phí hỗ trợ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, người sử dụng lao động thực hiện chi trả cho người lao động.

Một số câu hỏi – đáp thường gặp về nhóm chính sách ngừng việc

*Hỏi: Một trong các điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ ngừng việc theo Điều 17 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg là “người lao động thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Vậy quy định “trong các khu vực bị phong tỏa” được hiểu như thế nào? Là nơi làm việc và/hoặc nơi cư trú của người lao động trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có đúng không? Hoặc địa phương chỉ ghi “giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ” hoặc nằm trong “vùng cách ly y tế phòng chống dịch Covid 19” có được tính là đủ điều kiện nêu trên không?

Trả lời: Quy định “người lao động thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” tại Khoản 1 Điều 17 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg được hiểu là nơi làm việc và/hoặc nơi cư trú của người lao động trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bao gồm cả “giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ” hoặc nằm trong “vùng cách ly y tế phòng chống dịch Covid 19”.

Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó lường, việc hiểu và áp dụng các chính sách ở mỗi địa phương cần được thực hiện sáng tạo, linh hoạt và chủ động, nhằm đảm bảo phù hợp với công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở mỗi địa phương và hỗ trợ nhanh chóng, đúng đối tượng cho người dân, người lao động trên địa bàn.

* Hỏi: Đối với chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, việc chi hỗ trợ người lao động ngừng việc có được chuyển tiền trực tiếp cho người lao động không (không thông qua người sử dụng lao động)? Nếu được, đề nghị điều chỉnh, bổ sung cột tài khoản của người lao động nhận hỗ trợ (tên tài khoản, số tài khoản, tên Ngân hàng) vào biểu mẫu số 06, cụ thể bổ sung cột thông tin số tài khoản người lao động (đối với người lao động không có số tài khoản thì doanh nghiệp thực hiện chi trả).

Trả lời: Đây là vấn đề tổ chức thực hiện QĐ 23/2021/QĐ-TTg. Nếu người sử dụng lao động và cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương cùng đồng thuận việc chuyển tiền trực tiếp cho người lao động thì hoàn toàn có thể thực hiện được, không trái quy định của pháp luật. Cụ thể:

Biểu mẫu số 6 ban hành kèm theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg bao gồm các thông tin bắt buộc mà người sử dụng lao động phải thực hiện. Việc bổ sung thêm các thông tin khác (ngoài các thông tin bắt buộc theo Mẫu số 6) có thể được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của người sử dụng lao động.

Trong trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu tự nguyện chuyển tiền trực tiếp cho từng người lao động theo danh sách thì người sử dụng lao động có thể bổ sung thêm cột tài khoản của người lao động nhận hỗ trợ (tên tài khoản, số tài khoản, tên Ngân hàng) trong biểu mẫu số 06 ban hành kèm theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và đề nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ chuyển tiền trực tiếp cho người lao động. Trong trường hợp này, nếu các cơ quan tại địa phương đồng thuận với đề nghị của người sử dụng lao động thì thực hiện việc chuyển tiền trực tiếp cho người lao động, việc thực hiện này không trái quy định của pháp luật.

* Hỏi: Đơn vị chúng tôi là Chi nhánh Công ty (thuộc vùng 4) không cùng địa bàn với trụ sở Công ty chính (vùng 2). Vậy khi kê khai Mẫu số 13a ban hành kèm theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg thì đơn vị thực hiện ghi mức lương tối thiểu vùng như thế nào?

Trả lời:  Tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động quy định: “Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó. Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó”.

Căn cứ quy định nêu trên, đề nghị đơn vị kê khai mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn nơi Chi nhánh Công ty đóng (vùng 4) tại Mẫu số 13a ban hành kèm theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

* Hỏi: Một số người lao động khi thực hiện cách ly y tế tại gia đình, nếu theo quyết định cách ly của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì người lao động không đủ 14 ngày cách ly y tế thực tế. Tuy nhiên, sau thời gian cách ly theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người lao động tự ý nghỉ ở nhà thêm 3-5 ngày (nếu tính cả số ngày người lao động tự ý nghỉ việc thì mới đủ 14 ngày liên tục trở lên). Vậy trường hợp này có được tính cả thời gian tự nghỉ để giải quyết chế độ theo chương V (chính sách ngừng việc) của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg không?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 17 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg thì một trong các điều kiện để được hưởng hỗ trợ là: ngừng việc và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong toả theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên. Thời gian 14 ngày này được hiểu là đồng thời thời gian cách ly y tế/ trong các khu vực bị phong toả (theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền) từ 14 ngày trở lên và thời gian ngừng việc (theo Khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động) từ 14 ngày trở lên.

Do vậy, trong trường hợp thời gian cách ly y tế theo quyết định cách ly của cơ quan nhà nước có thẩm quyền không đủ 14 ngày thì không thuộc đối tượng để giải quyết chế độ theo chương V (chính sách ngừng việc) của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

* Hỏi: Người lao động đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ lao động ngừng việc, đang mang thai và có 1 con nhỏ dưới 6 tuổi thì được hưởng những hỗ trợ nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 18 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ lao động ngừng việc thì ngoài việc được hỗ trợ lao động ngừng việc 1 triệu đồng, còn được hỗ trợ thêm mức hỗ trợ 1 triệu đồng do đang mang thai và mức hỗ trợ 1 triệu đồng do đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi. Như vậy, mức hỗ trợ đối với trường hợp này là 3 triệu đồng.

* Hỏi: Người lao động được hưởng chính sách hỗ trợ ngừng việc tại Điều 17 của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg nếu phải điều trị do nhiễm COVID-19 (F0) hoặc cách ly y tế để phòng, chống COVID- 19 (F1) thì có được hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn tại Chương VII của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

Người lao động được hưởng đồng thời cả 02 chính sách hỗ trợ ngừng việc và hỗ trợ điều trị Covid, cách ly y tế theo quy định tại Chương V và VII của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg nếu đáp ứng đủ điều kiện của từng chính sách hỗ trợ.