Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động
24/12/2019Trả lời kiến nghị của Công ty TNHH Baconco về việc trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:
1. Về vụ tai nạn trên đường đi làm
Để có cơ sở giải quyết chế độ tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc đến nơi ở cần căn cứ vào biên bản điều tra tai nạn lao động. Căn cử vào biên bản điều tra tai nạn nêu trên, trường hợp xác định người lao động bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc đến nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý, nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì người sử dụng lao động trợ cấp cho người lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều 39 Luật An toàn vệ sinh lao động
Công văn số 4364/LĐTBXH-ATLĐ ngày 11/10/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời trường hợp cụ thể tại công văn hỏi của ông Trịnh Thể Hiền (Công ty TNHH HANSAE).
Công văn của quý Công ty không gửi kèm theo biên bản điều tra tai nạn lao động, chưa mô tả toàn bộ tình huống xảy ra tai nạn (chẳng hạn, có thể người lao động vượt đèn đỏ giao thông, sau đó mới tránh người khác và gặp nạn?..). Vì vậy quỷ Công ty cần tiến hành điều tra tai nạn lao động, xác định rõ nguyên nhân, sau đó căn cứ vào khoản 2 Điều 39 Luật An toàn, vệ sinh lao động để xem xét giải quyết chế độ cho người lao động.
2. Về quy định khoản 2 Điều 39
Quy định tại Điều 145 Bộ luật Lao động 2012, Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động hướng dẫn các trường hợp “tai nạn lao động”. Tai nạn lao động đã được định nghĩa tại Điều 142 Bộ luật Lao động 2012 và Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động Quy định khoản 2 Điều 39 Luật An toàn, vệ sinh lao động là quy
định cho trường hợp tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc đến nơi ở (đây là tai nạn đặc thù, không phải tai nạn lao động) được xem xét hưởng chế độ trợ cấp như tai nạn lao động. Vì vậy, Điều 145 Bộ luật Lao động 2012, Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động không có mâu thuẫn với Khoản 2 Điều 39 Luật An toàn, vệ sinh lao động.